Số tiền dôi dư từ việc giảm thiểu thất thoát bảo hiểm y tế có thể mua vắc xin tốt nhất cho các cháu trong độ tuổi TCMR khoảng 10 năm, thậm chí là trong khoảng 15 năm.
Bảo hiểm y tế là một hình thức bảo hiểm có ở tất cả các nước trên thế giới. Những người tham gia BHYT sẽ được đảm bảo chi trả một phần, hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh bằng nguồn tài chính từ quỹ BHYT. Tuy ở mỗi quốc gia, cách phân loại BHYT có khác nhau, nhưng đều được coi là một chính sách an sinh- xã hội quan trọng.
Quỹ bảo hiểm y tế “gặp họa”?
Từ 2006 các cơ sở y tế công lập đã được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
Đây là chính sách kinh tế trong y tế, “cởi trói” cho các cơ sở y tế công lập trước qui định về phân tuyến kỹ thuật và điều trị, cũng như vấn đề tài chính vốn eo hẹp.
Vì với cơ chế này, quyền lợi của của người bệnh, cũng như quyền lợi cán bộ y tế tại các bệnh viện, đều được ‘tính đến’ hài hòa.
Xếp hàng chờ tiêm vắc xin dịch vụ ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Huyền |
Những năm vừa qua, trong lĩnh vực quản lý y tế, khi kết hợp “hai trong một”- giữa chính sách BHYT (phi lợi nhuận) với chính sách ‘kinh tế trong y tế’( có lợi nhuận) đã làm cho quỹ BHYT “gặp họa” bởi đủ các ‘chiêu thức’ “rút ruột”; các kiểu “xẻ thịt”. Quyền lợi của người dân tham gia BHYT bị xâm hại nghiêm trọng.
Lợi dụng kẽ hở trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT, nhiều năm gần đây tại nhiều cơ sở y tế công lập, có hiện tượng các đường dây móc nối từ cán bộ y tế đến một số người khác bên ngoài xã hội “đánh” thuốc BHYT từ trong bệnh viện ra ngoài tiêu thụ. Bản chất của hiện tượng này là hành vi trộm cắp thuốc chữa bệnh. Đây cũng là một trong các chiêu thức trục lợi ‘rút ruột’ quỹ BHYT, đã được các cơ quan truyền thông liên tục đưa tin. Cá biệt cũng đã có vụ án mà kẻ phạm tội bị tuyên tới 15 năm tù giam.
Từ vụ việc ‘nhân bản’ xét nghiệm, đến cho phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cũ nát. Những vụ việc này cũng phần nào giải thích cho những nghi vấn về ‘lợi ích nhóm’ , khi cơ quan BHXH Việt Nam phát hiện. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, chi phí xét nghiệm đang có xu hướng tăng. Có nơi tổng chi phí xét nghiệm trước đó là 20 - 25%, gần đây đã tăng lên 30 - 40% chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Cùng với những vụ việc trục lợi quỹ BHYT mang tính ‘cò con’, ‘chụp giật’, là những vụ việc có tính tổ chức. Mới đây là vụ việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội và hai cơ sở khám chữa bệnh ở Hải Phòng đã cho thấy, trục lợi quỹ BHYT có tổ chức tại các cơ sở khám, chữa bệnh, có thể đã phát triển sang một “chương” mới tinh vi hơn.
Kết quả rất... bất thường
Tiền thuốc chữa bệnh luôn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng chi phí khám, chữa bệnh ở nước ta. Vậy nên, để sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT, thuốc chữa bệnh dùng trong các bệnh viện phải qua đấu thầu.
Mục tiêu là có được những loại thuốc chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý. Chịu trách nhiệm về các gói thầu này là GĐ sở y tế các tỉnh và giám đốc các bệnh viện lớn (trực thuộc Bộ Y tế). Nhưng kết quả lại rất...bất thường: Giá thuốc chữa bệnh trong các bệnh viện công bị đẩy lên cao hơn giá thật trên thị trường tùy theo từng loại, cá biệt có loại tới 300 đến 400% . Hiện tượng này, được các phương tiện truyền thông ‘cập nhật’ và đăng tải, liên tục từ nhiều năm nay.
Chỉ tới khi tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, được cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh Gia Lai và Cà Mau ‘minh định’, cụ thể bằng các bản án được tuyên cho các cựu quan chức sở y tế các địa phương này, thì công luận mới được biết đến dạng tội phạm trục lợi quỹ BHYT. Bắt đầu từ ‘làm giá’ trong đấu thầu thuốc chữa bệnh, đến ‘rút ruột’ tiền thật từ quỹ BHYT.
Mặc dù, cho tới nay, trên phạm vi cả nước, tất cả các cơ quan có trách nhiệm đều chưa có con số thống kê cụ thể số tiền mà quỹ BHYT bị rút ruột qua đấu thầu thuốc chữa bệnh. Nhưng cứ theo thống kê của ngành bảo hiểm vào thời điểm 2012, thì giá thuốc BHYT cao hơn ít nhất 25% đến 30% giá thuốc trên thị trường.
Tính từ khi những ‘qui định mới’ trong Thông tư liên tịch mới của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về đấu thầu mua thuốc tại bệnh viện có hiệu lực, Bộ trưởng Y tế khẳng định đã tiết kiệm 25-30% kinh phí mua thuốc.
Năm nay, theo kế hoạch, tổng thu BHYT là 53.341 tỷ đồng; tổng chi 56.076 tỷ VNĐ. Nếu ước tính chi phí khám chữa bệnh BHYT như những năm trước, trong đó tiền thuốc khoảng 60% , thì quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được bao nhiêu?
Một tín hiệu tốt, như liều thuốc được kê đơn đúng bệnh, đó là theo thông tin mới nhất, tại Hội nghị trực tuyến vừa qua, giá thuốc trúng thầu đã giảm tới 35%. Như vậy, quỹ BHYT sẽ có hy vọng giảm thất thoát?
So sánh với chi phí 700-800 tỉ VNĐ trong một năm, cho việc mua các loại vắc xin tốt cho các cháu bé trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở nước ta, thì số tiền dôi dư có thể mua vắc xin tốt nhất cho các cháu trong độ tuổi TCMR khoảng 10 năm, thậm chí là trong khoảng 15 năm.
Ước gì điều đó thành sự thật ...!
- Nguyễn Văn Soạn