Tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho người khuyết tật

Hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ chính sách hỗ trợ người khuyết tật về tất cả các mặt như y tế, học tập, hỗ trợ học nghề, việc làm, tuy nhiên nhiều chính sách khi ban hành ra đi vào thực tế rất khó và người khuyết tật không tiếp cận được. 

Giúp người khuyết tật có việc làm ổn định là cách giảm nghèo bền vững nhất cho người khuyết tật. Nếu người khuyết tật, biết đọc, biết chữ thì cơ hội để người khuyết tật có việc làm sẽ tăng thêm.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động.

Điều tra của các cơ quan Liên Hợp Quốc phối hợp với Tổng cục Thống kê và Tổng điều tra Dân số năm 2019 chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao. Chúng ta hiện nay có khoảng 7% dân số là người khuyết tật (khoảng 6 triệu người), chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên: 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%.

Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019 cho thấy trong khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, có 1,03 triệu người khiếm thị.

Theo dự báo, số lượng người khuyết tật nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập kỷ tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng lên. Vì vậy, việc gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra và phân phối, truyền đạt các bản sao dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu..., bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Theo cam kết tại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), Việt Nam có nghĩa vụ gia nhập Hiệp ước Marrakesh trong thời hạn 5 năm kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực (ngày 1/1/2022).

Thực hiện Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước Marrakesh).

Hôm 28/9, tại hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật. Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trịnh Tuấn Thành cho biết, Bộ đã tham mưu, đề xuất bổ sung Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023) nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật.

Cũng theo ông Trịnh Tuấn Thành, nhằm đảm bảo hiệu lực đồng thời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11/2022.

Thúc đẩy hợp tác việc làm và tăng cường hòa nhập người khuyết tật trong thị trường lao động

Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 LEMM) diễn ra mới đây đã nhất trí 5 văn kiện chính nhằm thúc đẩy hợp tác việc làm và tăng cường hòa nhập người khuyết tật trong thị trường lao động.

Văn kiện thứ nhất là Kế hoạch hành động về xúc tiến và giám sát các nguyên tắc của G20 về hội nhập thị trường lao động cho người khuyết tật. Trong đó, các thành viên cam kết đẩy nhanh tiến trình gia nhập của các nhóm khuyết tật vào thị trường lao động.

Hai là, Khuyến nghị chính sách về Tăng trưởng bền vững và năng suất để phát triển năng lực con người thông qua đào tạo nghề dựa vào cộng đồng. Văn kiện bao gồm 1 thỏa thuận giữa các nước nhằm nâng cao năng lực và năng suất nguồn nhân lực thông qua các chương trình học tập dài hạn, trong đó chú ý đến nhu cầu của địa phương và phương pháp đào tạo nghề bền vững và toàn diện.

Ba là, Khuyến nghị chính sách về Thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hỗ trợ các các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một công cụ làm việc. Đây là cơ hội để tăng thêm việc làm toàn diện và bền vững thông qua phát triển và hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp, góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế.

Bốn là, Nguyên tắc chính sách G20 về Bảo hộ lao động thích ứng để bảo vệ hiệu quả hơn và tăng khả năng phục hồi cho tất cả người lao động. Văn kiện đề ra 3 yếu tố quyết định gồm phạm vi bảo hộ lao động, mức độ bảo vệ và mức độ tuân thủ nhằm đảm bảo cho người lao động kịp thích ứng với những thay đổi trong môi trường lao động hiện nay.

Năm là, Cập nhật kỹ năng chiến lược G20, trong đó có thỏa thuận phát triển quản trị nhằm đảm bảo tất cả các công dân được giáo dục cơ bản tốt và tiếp cận với việc cải thiện kỹ năng liên tục, phù hợp với những thay đổi của thị trường lao động.

Hồng Vũ