Ngày 12/9, Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ LĐTBXH họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (sau đây gọi là Chương trình); kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Liên quan đến nội dung thứ nhất, về việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025;

Trong đó, năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 có 06 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ LĐTBXH đã tổng hợp, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15%).

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022, ước kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), cụ thể như sau: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Ước tính tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Ảnh minh họa

Tăng cường công tác giám sát

Đưa ra ý kiến thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao những kết quả đạt được. Đồng thời đề nghị, Bộ LĐTBXH khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp; Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TTTT rà soát các văn bản, hướng dẫn, nhằm bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc thực hiện Chương trình.

Thường trực Ủy ban cũng đề nghị, Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định vốn sự nghiệp thực hiện cho một số dự án, tiểu dự án chưa được phân bổ vốn; tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, tiểu dự án chưa được thực hiện.

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ do sự chậm trễ của một số bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình chưa bố trí thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo.

Các đại biểu cũng nêu rõ, cần tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo công tác này được tiến hành hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Minh Vy