Thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, dù với số vốn ít nhưng có lợi thế là “sở hữu” những khu đất “vàng” trên địa bàn Hà Nội, không ít doanh nghiệp liên kết, bắt tay với các đối tác bên ngoài thực hiện những dự án chung cư cao tầng để bán.
“Đất vàng”, vốn ít, dự án “khủng”
Khu đất tại 47 Nguyễn Tuân do nhà máy dệt Mùa Đông quản lý. Theo chủ trương quy hoạch của nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp trong nội đô sẽ được di chuyển ra ngoại thành hoặc các cụm công nghiệp ven Hà Nội. Chính vì thế, khu đất này bỗng “hóa vàng”. Cũng như nhiều khu đất tại các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội, dự án cao ốc nhanh chóng được mọc lên trên khu đất.
Mới đây, dự án khu căn hộ mang tên Goldseason tọa lạc tại số 47 Nguyễn Tuân đã chính thức “ra mắt” trên thị trường. Giới thiệu trên nhiều trang rao bán nhà đất đây là tổ hợp dự án chung cư cao cấp bậc nhất khu vực, với địa thế đất vàng rộng hơn 2ha.
|
Nhà xưởng của công ty CP Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân được tháo dỡ để xây dựng chung cư cao tầng. |
Thông tin tìm hiểu của PV VietNamNet, công ty CP Dệt Mùa Đông tiền thân là công ty dệt len Mùa Đông (thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội trước đây-PV) được thành lập năm 1960. Ngày 22/3/2006, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định chuyển đơn vị này từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn cổ đông.
Với lợi thế khi đang “sở hữu” khu đất “vàng” mặt phố Nguyễn Tuân không cần chờ đến khi được cổ phần hoá, năm 2004, Ban Giám đốc Cty này đã có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội xin chuyển mục đích sử dụng đất tại 47 Nguyễn Tuân mà đơn vị đang sử dụng sang xây dựng khu dịch vụ, nhà chung cư dưới danh nghĩa thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.
Ngày 25/10/2010, UBND thành phố Hà Nội có quyết định việc thu hồi 22.602m2 của Cty giao cho Công ty CP bất động sản Mùa Đông-VID (trong đó Cty CP dệt Mùa Đông sáng lập) để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán…Cũng theo quyết định này thì khu đất nhà máy này sẽ mọc lên một loạt khu chung căn hộ để bán cao từ 19 đến 35 tầng.
Trao đổi với PV VietNamNet về việc liên kết với đối tác thực hiện dự án BĐS tại khu đất “vàng” 47 Nguyễn Tuân, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Dệt Mùa Đông cho biết, dự án này có mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng theo hình thức liên kết chia lợi nhuận, chia sản phẩm.
Cũng theo ông Thành, “việc liên kết dự án theo hình thức mỗi bên góp 50-50 khi có lợi nhuận thì chia đôi. Đây là quyền lợi của cổ đông không liên quan gì đến cán bộ công nhân viên”.
Thông tin từ vị Phó Tổng Giám đốc, dự án có mức đầu tư khủng lên tới trên 1.000 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn của doanh nghiệp vẫn rất ít. Sau nhiều năm cổ phần hóa, nhiều lần tăng vốn điều lệ hiện công ty mới đạt được số vốn 35 tỷ đồng, trong khi doanh thu mỗi năm vào khoảng 40 tỷ đồng.
Chuyển “đất vàng” thành dự án bất động sản cũng là câu chuyện tại công ty dệt 19/5 Hà Nội. Dù là doanh nghiệp nhà nước nhưng toàn bộ khu đất “vàng” tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng của đơn vị này cũng trở thành dự án “khủng” với giá bán căn hộ từ 38 đến 41 triệu đồng/m2.
Năm 2005, lãnh đạo thành phố Hà Nội có quyết định chuyển Cty dệt 19/5 Hà Nội sang Cty TNHH nhà nước một thành viên dệt 19/5 Hà Nội với vốn điều lệ là 40 tỷ đồng. Năm 2013, trên cơ sở đề xuất của Cty Cổ phần HBI (đơn vị được giao làm chủ dự án), UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất 42.257m2 này thành tổ hợp chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê, nhà ở thấp tầng… Trong đó có công trình từ 27 đến 35 tầng; quy mô dân số trên 5.000 người.
“Kế hoạch một đường, quy hoạch một nẻo”
Theo quy định của Luật Thủ đô “Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…, được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.
Trong bản “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội”, nêu rõ sẽ từng bước di dời cơ sở công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm môi trường và cơ sở đào tạo, y tế, cơ quan không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô. Đồng thời đưa ra các “vùng cấm” không cho xây dựng cao tầng hậu di dời.
Thế nhưng thực tế trụ sở các bộ, ngành sau khi di dời có mới nhưng không nới cũ, trong khi trong khi các diện tích đất sau khi di dời khác phần lớn lại đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, gây áp lực lớn hơn cho hạ tầng đô thị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc trước đây cho một số cao tầng là đã có tính đến quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội. Nhưng khi cho phép triển khai các dự án phải gắn kết đồng bộ với hạ tầng xã hội và đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật để liên kết với vùng và khu vực xung quanh.
“Hiện nay các doanh nghiệp chủ yếu chỉ phát triển nhà ở mang tính chất thương mại mà chưa chú trọng đến hạ tầng xã hội. Đây là vấn đề cần phải giám sát và xử lý chặt chẽ. Không phải chỉ xây dựng nhà ở để bán mà phải xây dựng cả hạ tầng. Đồng thời thêm vào đó cũng phải tính đến việc cải tạo lại hạ tầng khu dân cư xung quanh và tạo ra những tuyến đường để liên kết vùng. Hiện nay, cái đó là vai trò của TP. Nhưng thực tế,chủ đầu tư chưa triển khai nên xảy ra tình trạng ách tắc” – ông Nghiêm nói.
Nêu lên vấn đề trong công tác quy hoạch, theo ông Nghiêm, thực trạng hiện nay của công tác quy hoạch là còn phức tạp và có chồng lấn cho nên nhà nước đang xây dựng lại luật quy hoạch để giảm bớt số lượng quy hoạch trách bất cập giữa quy hoạch này với quy hoạch khác, tránh hiện tượng lợi ích cành.
“Hà Nội đã có đủ quy hoạch đấy nhưng vấn đề là thiếu gắn kết. Trách việc gây quá tải vào trong khu vực xây dựng. Và phải giám sát sử dụng. Hiện nay kế hoạch làm môt đường nhưng quy hoạch làm một nẻo. Cần phải giám sát quy hoạch gắn với kế hoạch” – Ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Hà Nội: 17 lần dự thảo chưa ra được Quy chế “Hà Nội đã 17 lần làm dự thảo Quy chế quản lý nhà cao tầng trong nội đô. Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở là phải sớm có quy chế này. Bộ Xây dựng đã có những đóng góp trực tiếp cụ thể vấn đề này. Nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Quy chế này thuộc thẩm quyền của Hà Nội vậy thì phải chăng với thực tiễn này, với các dự án lớn như thế (hơn 900 dự án cao tầng) cần tập trung nguồn lực sớm ban hành quy chế nhà cao tầng. Và chỉ có sớm ban hành quy chế cụ thể như thế chúng ta mới có thể rà soát lại các dự án và khống chế với những biện pháp thích hợp được. Đây là thực tiễn thấy rất rõ.” – Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội. |
Hồng Khanh