Ngày 29/12/2022, Bộ TN&MT và Bộ Công an đã công bố việc chính thức kết nối, liên thông dữ liệu giữa 2 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia dân cư và đất đai. Theo đó, đã kết nối, khai thác dữ liệu đất đai cho nghiệp vụ cư trú và bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; đồng thời kết nối, sử dụng dữ liệu dân cư để thực hiện nghiệp vụ về quản lý sử dụng đất đai và công tác xây dựng CSDL quốc gia về đất đai.
Với việc CSDL đất đai quốc gia kết nối với CSDL quốc gia về dân cư qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP, hiện cả 6 CSDL quốc gia, tạo nền tảng cho phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, đã kết nối qua nền tảng NDXP để dữ liệu được chia sẻ và khai thác một cách hiệu quả.
Nền tảng NDXP do Bộ TT&TT quản lý và vận hành, đóng vai trò trung tâm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dần được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh (LGSP) và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua nền tảng NDXP.
Theo số liệu của Cục Chuyển đổi số quốc gia thuộc Bộ TT&TT, đến cuối năm 2020, toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã có nền tảng LGSP và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị. Trong đó, có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 9 cơ sở dữ liệu và 12 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Số liệu mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến ngày 20/12/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng NDXP trong tháng 12/2022 đã đạt trên 120,4 triệu giao dịch 120.425.201 giao dịch. Trong năm 2022 đã có 860 triệu giao dịch được thực hiện, tăng gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021. Trung bình mỗi ngày trong năm 2022 có khoảng 2,36 triệu giao dịch được thực hiện qua nền tảng NDXP.
Đáng chú ý, với sự tăng trưởng đột biến trong năm ngoái, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng NDXP từ khi khai trương đến nay đã vượt mốc 1 tỷ. Có được kết quả này, theo phân tích của Thứ trưởng Phạm Đức Long tại hội nghị tổng kết công tác Bộ TT&TT năm 2022, là do Bộ đã đổi mới cách làm, chuyển từ phương thức bị động trước đây sang chủ động về nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tức là, thay vì đợi các bộ, ban, ngành, địa phương có nhu cầu kết nối với nền tảng, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ động tìm đến các bộ, ngành, địa phương và đề nghị, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu qua NDXP.
Trong giai đoạn tới, cách làm mới mang lại hiệu quả nêu trên, sẽ tiếp tục được Bộ TT&TT thực hiện. Hơn thế, năm 2023 đã được Bộ xác định là năm dữ liệu số. Với lĩnh vực chuyển đổi số và Chính phủ số, một nhiệm vụ trọng tâm năm nay của Bộ TT&TT chính là phát triển nền tảng NDXP để kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, khai thác triệt để các CSDL quốc gia cũng như tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Cụ thể, theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, các việc chính về phát triển dữ liệu số Việt Nam sẽ được tập trung trong năm nay gồm thể chế dữ liệu số, phát triển dữ liệu số để phục vụ 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, phát triển hạ tầng dữ liệu số quốc gia, nguồn nhân lực dữ liệu số.
Giữ vai trò cầm nhịp về năm dữ liệu số, Bộ TT&TT sẽ chủ trì việc xây dựng và điều phối thực thi kế hoạch của Chính phủ phát triển dữ liệu số Việt Nam, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về dữ liệu; chủ trì về công tác bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu số; đồng thời tăng cường vai trò điều phối về kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp.