Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Tại Hội nghị tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Xây dựng gia đình là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại.
Trong khó khăn, chúng ta thấy rõ được tinh thần Việt Nam tương thân, tương ái, nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Các giá trị đạo đức, nhân văn ấy là sản phẩm kết tinh của quá trình hun đúc qua hàng nghìn năm của dân tộc. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp và lan tỏa những giá trị đạo đức quý giá đó.
Nghiên cứu “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2019 cho thấy người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo. Bản thân gia đình đã, đang và sẽ là một trong những giá trị quan trọng đối với người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.
Đảng ta khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho hay quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để gia đình Việt Nam nâng cao thu nhập, tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống. Cùng với đó, sự xung đột giá trị giữa cũ – mới, truyền thống – hiện đại là một quá trình tất yếu.
Theo Tiến sĩ Ánh, hiện nay, ở không ít gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm. Thậm chí có những gia đình còn "khoán" việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội. Không ít người không hình thành được lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, không duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử trong gia đình. Điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực...
Trong khi đó, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, những giá trị mới được du nhập trong khi trẻ nhỏ khó có khả năng "sàng lọc" nếu không được người lớn định hướng, dìu dắt, trẻ dễ bị những tư tưởng lệch chuẩn, cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội tác động...
Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội rất quan trọng. Theo Tiến sĩ Ánh, cần phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hoá của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, sáng tác nhiều tác phẩm văn hoá nghệ thuật từ chủ đề gia đình để tạo động lực phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một ngành Văn hoá, Gia đình, Thể thao và Du lịch mà cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm, của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình để các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình.