Hưng Yên là tỉnh có các tuyến Quốc lộ, cao tốc huyết mạch, hoạt động giao thông vận tải diễn ra  phức tạp. Theo thống kê của lực lượng CSGT tỉnh Hưng Yên, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn  xảy ra 71 vụ TNGT, làm chết 56 người, bị thương 49 người.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình TNGT đường bộ, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú.  Đơn vị đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ ngay từ đầu năm.

Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh Hưng Yên tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho học sinh

Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối tổ chức 53 buổi tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư; tổ chức tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường, khu vực phức tạp, địa bàn đông dân cư, cổng trường học... hoặc tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác TTKS, xử lý vi phạm. 

Những buổi tuyên truyền này đều tập tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người trực tiếp điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa,... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ.

Song song với việc truyền thông trực tiếp, phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Hưng Yên cũng phối hợp với Báo, Đài PT- TH tỉnh,  Truyền hình ANTV xây dựng và phát 149 phóng sự, tin bài phát trên phương tiện thông tin đại chúng về công tác đảm bảo TTATGT, TTXH.

Phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã và ngành giáo dục tổ chức 85 buổi tuyên truyền Luật Giao thông cho hơn 42.000 cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên; 15 xã với trên 3800 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. 

Sau những buổi tuyên truyền, các đơn vị đều tổ chức ký cam kết đối với các hộ gia đình trên các tuyến phụ trách không để xảy ra tình trạng dựng rạp, lều quán lấn chiếm lòng, lề đường. 

Ngoài ra đã tổ chức 400 buổi tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh gắn trên xe ô tô CSGT tại các tụ điểm phức tạp, khu đông dân cư, các khu công nghiệp dọc theo hai tuyến quốc lộ…

Trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ đã được quan tâm đẩy mạnh, song vẫn còn một số hạn chế.

Theo đó, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ của lực lượng CSGT còn tập trung vào các đợt cao điểm; Vẫn còn nhiều nơi chưa thực sự quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ.

Ở một số vùng nông thôn, phần lớn người dân tiếp cận qua thông tin đại chúng, ít hoạt động tuyên truyền trực tiếp của lực lượng CSGT địa phương bởi vậy hiệu quả tác động sâu rộng để làm đổi mới nhận thức của người dân chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, tới đây, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục đổi mới hoạt động tuyên truyền bám sát với tình hình thực tế. 

Chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, nội dung cần ngắn gọn, dễ hiểu qua nhiều kênh để mọi người đều được nghe, nhận thức được hậu quả của việc không chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ.  Qua đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, chủ động phòng tránh TNGT. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ tại các trường học qua các buổi sinh hoạt thứ 2 đầu tuần, tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, xe mô tô...Tuyên truyền phổ biến pháp luật và hậu quả của việc vi phạm các quy định đó bằng các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích. 

Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các tổ chức đoàn thể, quần chúng tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ đối với cán bộ, công chức, người  lao động, học sinh và người dân đang học tập, làm việc và sinh sống tại địa phương. 

Thu Hằng và nhóm PV, BTV