Trước tình trạng mức sinh xuống rất thấp, nhiều địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu,... đã có nhiều giải pháp khuyến sinh theo hướng "thân thiện với gia đình" như phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được thưởng tiền, tặng giấy khen...
Tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí...
Tuy nhiên, thực tế mức sinh của các địa phương này nhiều năm qua không cải thiện đáng kể.
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê, riêng năm 2023 là số liệu sơ bộ. Đồ hoạ: Võ Thu
VietNamNet có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), xung quanh những đề xuất, giải pháp khuyến sinh.
"Trăm câu hỏi cần trả lời khi quyết định sinh con"
Theo ông, chính sách khuyến sinh bằng cách thưởng tiền trên đây có là giải pháp căn cơ, khi chi phí nuôi một đứa trẻ dù ở nông thôn hay thành thị đều tăng rất nhanh? Hay nói nôm na là liệu có ai sinh đủ 2 con chỉ để lĩnh thưởng? Ở những nước có mức sinh xuống thấp như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… có áp dụng chính sách hỗ trợ tiền như vậy không và hệ/hiệu quả ra sao từ khi áp dụng?
- Thực tế cho thấy hiện nay các nhóm gia đình trẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, thị trường lao động ở cả trong và ngoài nước.
Công ăn việc làm chưa đầy đủ, còn nhiều bấp bênh cùng với chi phí cơ bản như nhà ở, ăn uống… lại tăng vọt khiến lo lắng đảm bảo cho cuộc sống có thêm con nhỏ ngày càng tăng. Đặc biệt, ở các khu đô thị với những nhóm lao động nhập cư, các vấn đề trên càng khó hơn.
Người ta quyết định sinh con thì phải tính “đường dài”, tức là chăm sóc lúc mang bầu như thế nào, sinh con ở đâu, chăm con lúc sơ sinh thế nào để đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng… đến việc lo trường mầm non, tiểu học... khi trẻ đến trường, chi phí bao nhiêu… Cả trăm câu hỏi cho quyết định có sinh con hay không.
Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã và đang tích cực thực hiện các chính sách nhằm khuyến sinh. Không chỉ có những khoản tiền mặt hỗ trợ trực tiếp, chính phủ các nước này còn ban hành nhiều quy định liên quan tới thời gian nghỉ, mức lương được hưởng của cả vợ và chồng trong thời gian thai kỳ và thời gian sau khi sinh con.
Việc thưởng hay hỗ trợ khi sinh - như một số nước đã thực hiện - có thể nói là chưa (hoặc thậm chí là không) hiệu quả như dự định của chính phủ các nước này bởi quá nhiều thứ mà các cặp vợ chồng phải “căn cơ, đo đếm” hơn là món tiền thưởng. Chưa kể, món thưởng ở mức “không để làm gì” thì chắc chắn các cặp vợ chồng sinh con là vì nhu cầu, khả năng của họ chứ không phải là để “săn tiền thưởng”.
Thực tế, những tác động mạnh mẽ của chi phí cuộc sống (đặc biệt là giá thuê hoặc mua nhà đủ điều kiện sống cho hai vợ chồng cùng 1-2 con) cũng như những kế hoạch trong công việc, thu nhập… khiến nhiều cặp vợ chồng quyết định chưa sinh con hoặc chỉ sinh 1 con.
Hệ quả là, như ở Hàn Quốc, năm 2023 là năm thứ 5 liên tiếp có tỷ suất sinh thấp hơn 1 (tức là số trẻ sinh ra còn ít hơn cả số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Ở Nhật Bản, mức sinh có xu hướng chững lại và dao động nhẹ giữa các năm. Hiện chính phủ liên tục điều chỉnh chính sách (giáo dục, chăm sóc sức khỏe…) cùng chiến lược truyền thông về khuyến sinh.
Giải pháp tăng lương, giảm giờ làm để người lao động trẻ tuổi có cơ hội tìm bạn đời… có thực sự dễ thực hiện (dù điều này là lý tưởng) khi có vẻ đi ngược với logic thực tế?
- Trong một số cuộc phỏng vấn xã hội học gần đây, nhiều bạn trẻ cho rằng họ còn nhiều thứ phải chuẩn bị cho cuộc sống như việc làm ổn định, có thu nhập tốt hơn… nên nếu giảm giờ làm việc này thì họ có thể dùng nó để làm việc khác, thậm chí có người nói là không có việc gì thì sẽ... ngủ thêm để có sức làm việc tốt hơn. Ngược lại, cũng có người nhận định rằng chưa tới mức quá bận để không tìm được bạn đời và đơn giản chỉ là chưa muốn.
Nói cách khác, nhu cầu tìm kiếm bạn đời - bên cạnh việc cần thời gian - phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà trong đó yếu tố kinh tế (việc làm, thu nhập…) có lẽ là quan trọng nhất.
Ở góc nhìn tổng thể nền kinh tế nước ta, khu vực sản xuất với đóng góp lớn về việc làm, thu nhập từ ngành chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động nhưng năng suất trong nhiều năm chưa cải thiện đáng kể, việc giảm giờ làm đòi hỏi năng suất người lao động phải tăng lên tương ứng hoặc cao hơn, khi đó mới đảm bảo duy trì hoặc tăng sản lượng.
Nếu đơn thuần chỉ nghĩ giảm giờ làm mà không có những bù đắp bằng năng suất lao động thì vô hình chung chúng ta sẽ cắt giảm năng lực sản xuất. Vậy chúng ta sẽ “thất bại kép” khi người lao động giảm giờ làm nhưng không dùng để tìm bạn đời, trong khi sản lượng giảm vì năng suất không thay đổi.
Một khi năng suất không đổi, giờ làm ít đi, đương nhiên không thể yêu cầu người sử dụng lao động giữ tiền lương như cũ hoặc thậm chí tăng lương để bù lạm phát vì như thế sẽ tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Khi gánh nặng lớn thì việc dễ nhất là giảm lao động!
Quyết định sinh con sẽ dễ dàng hơn nếu...
Giáo sư có thể đưa ra đề xuất về giải pháp căn cơ, lâu dài và có tính thực tiễn cao cho việc khuyến sinh ở nước ta?
- Phải khẳng định một điều rất rõ là một cặp vợ chồng sinh con hay không là do nhu cầu của họ dựa trên nhiều yếu tố cá nhân, gia đình, họ hàng đến điều kiện kinh tế - xã hội nơi sinh sống…
Việc thưởng tiền, chắc chắn không thể là số tiền đủ để các cặp vợ chồng giải quyết được nhiều việc khi có thêm 1 đứa con, sẽ không đảm bảo khuyến sinh.
Nếu cặp vợ chồng nào cũng có thể tiếp cận được nhà ở (dù là mua nhà xã hội hay nhà thuê có giá thuê hợp túi tiền), có việc làm ổn định cũng như môi trường sống an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ, trường học… thì chắc chắn quyết định sinh con sẽ dễ dàng hơn là dựa vào khoản tiền thưởng nhỏ trong khi còn quá nhiều khó khăn trước mắt.
Cá nhân tôi nghĩ khoản thưởng chỉ có tính động viên về tinh thần, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ niềm vui của chính quyền và cộng đồng nơi hộ gia đình sinh sống.
Thực ra ai cũng đều muốn có con cái, thậm chí muốn có nhiều để vui cửa vui nhà, có người chia sẻ niềm vui, khó khăn, nhất là chăm sóc các thành viên trong gia đình, tuy nhiên, “có thực mới vực được đạo”.
Điều đó nghĩa là để quyết định sinh con, thậm chí nhiều con và mong muốn chúng có cuộc sống khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, đầy đủ về kinh tế thì nền tảng kinh tế, xã hội, sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) của các cặp vợ chồng rất quan trọng để có thể tạo ra điều kiện tốt nhất về an cư, lạc nghiệp, giáo dục, y tế… cho bản thân và những đứa con.
Việc khuyến sinh không thể làm trực tiếp bằng cách giục giã các cặp vợ chồng sinh con, mà phải gián tiếp qua cải thiện đủ lớn điều kiện sống cũng như các cơ hội phát triển trong cả một quãng đường dài của đời người. Sự đồng bộ chính sách luôn là điều quan trọng nhất - đôi khi không phải là số lượng (ví dụ như khoản tiền “treo thưởng”) mà là chất lượng (cải thiện các dịch vụ giáo dục, y tế…).