Lên vùng cao Bắc Hà nhận công tác mới tròn 1 năm, cô giáo trẻ Bùi Ngọc Ánh đã được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 7 của trường Trường PTDT bán trú TH và THCS Bản Liền. Dạy dỗ những học sinh đang tuổi lớn, tâm lý phức tạp, đôi khi suy nghĩ chưa chín chắn, Ngọc Ánh tìm cách trở thành “người bạn” của học trò. Đặc biệt, cô còn dành công sức tìm hiểu văn hoá, cách sinh hoạt của học sinh, đồng thời quan tâm, trò chuyện với các em nhiều hơn.

Sau những phút bỡ ngỡ ban đầu, bằng tâm huyết và tình yêu nghề, cô giáo trẻ nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm của mình, không những trong công tác giảng dạy mà còn góp phần xây dựng văn hoá ứng xử cho các học sinh.

Cô giáo Lê Thị Huế, giáo viên Trường THCS thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ: "Giáo viên chủ nhiệm cũng giống như người mẹ, mà người mẹ ấy lại có rất nhiều con, phải làm sao hiểu được từng em muốn gì, nghĩ gì. Ở trường, giáo viên chủ nhiệm phải là người gần gũi nhất, thân cận nhất, yêu mến nhất với các em".

Có thể thấy, mỗi độ tuổi, học sinh lại có những đặc điểm tâm lý khác nhau. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em, đồng thời giúp các em tháo gỡ những khó khăn. Khi đó, học sinh sẽ xem trường học, lớp học như ngôi nhà thứ 2 để vừa học tập, rèn luyện nhân cách, xây dựng văn hoá ứng xử.

văn hoá ứng xử.jpg
Việc tuyên truyền và xây dựng văn hoá ứng xử cho học sinh rất cần đến vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. 

Ngoài nhiệm vụ học tập trau dồi kiến thức, xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học cũng luôn được coi là một trong các mục tiêu quan trọng nhất.

Đây là hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.

Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. 

Văn hóa ứng xử học đường thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của giáo viên, học sinh, sinh viên trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên.

Nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ này cũng như vai trò của giáo viên chủ nhiệm - người gần gũi nhất với học sinh, các trường đưa ra nhiều hoạt động , giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Trong đó, các trường đều chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên nói chung và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần trở thành tấm gương, có lối sống, văn hoá ứng xử văn minh để các học trò tin tưởng noi theo.

Ví dụ, tại trường Tiểu học Đông Sơn (TP Tam Điệp, Ninh Bình), ban giám hiệu không chỉ đưa ra quy tắc ứng xử văn hoá đối với học sinh mà cũng đề ra quy định đối với giáo viên.

Cụ thể, giáo viên không được có các hành vi như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, sử dụng điện thoại di động khi đang tham gia các hoạt động giáo dục. Khi đến trường, giáo viên phảm đảm bảo trang phục chỉnh tề, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với môi trường sư phạm, không gây phản cảm, phân tán sự chú ý của người học. Đối với học sinh, giáo viên luôn đặt tình thương và trách nhiệm lên hàng đầu, tôn trọng ý kiến của từng em, lắng nghe và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của học sinh. 

Ngoài việc đưa ra quy định, các trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh. Việc được nghe các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục phân tích về tâm lý của lứa tuổi học trò và hướng dẫn các biện pháp ứng xử phù hợp đã và đang giúp nhiều giáo viên có cách tiếp cận hiệu quả trong việc giáo dục, tuyên truyền văn hoá ứng xử đến các học sinh.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV