Quay trở lại trường sau đại dịch Covid-19, giáo viên và học sinh phải gồng mình để ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho các kỳ thi đầu cấp thì Sở GD-ĐT Hà Nội lại yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải thi rà soát chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Mục tiêu Sở GD-ĐT đưa ra là nhằm phân lớp để tiếp tục đào tạo, nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.

Thông tin này khiến đồng nghiệp của tôi ở nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố cảm thấy hoang mang và áp lực.

Đạt 6.5 IELTS là không cần thiết

Tôi cho rằng, việc yêu cầu giáo viên phải đạt tối thiểu 6.5 IELTS là không cần thiết. Bởi lẽ, điều giáo viên bộ môn tiếng Anh cần hiện tại là được tham gia vào những lớp đào tạo về phương pháp giảng dạy tiếng Anh nâng cao và giảng dạy các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết cho học sinh sao cho hiệu quả.

Còn bây giờ, bỏ thời gian đi luyện IELTS cấp tập cũng giống như việc “học gạo”, giáo viên không thể nào lên trình trong một khóa học ngắn hạn. Theo tôi biết, hiện nay các trung tâm luyện thi cũng có những chiến thuật riêng để nâng điểm IELTS. Do đó, không ít trường hợp có điểm chứng chỉ cao nhưng không thể nghe được người nước ngoài nói chuyện.

Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, việc nâng chất lượng giáo viên chỉ bằng 1-2 tháng luyện thi IELTS là rất khó, bởi thực tế giáo viên còn cần tới rất nhiều yếu tố tác động khác như môi trường làm việc cần sử dụng tiếng Anh để giao tiếp thường xuyên, trao đổi chuyên môn liên tục…

Nhiều giáo viên đã có bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Trước khi tham gia những chương trình thạc sĩ này, điều kiện bắt buộc là phải đạt IELTS từ 6.5 trở lên, không có kỹ năng nào dưới 6.0.

Bây giờ, nếu giáo viên tiếp tục đi luyện thi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như vậy rất mất thời gian mà không hiệu quả. Hơn nữa, giáo viên đi luyện thi IELTS nhưng lại dạy chương trình phổ thông cho học sinh, theo tôi đây là điều bất hợp lý.

Nếu cứ như đề án, giáo viên không còn muốn học nữa

Năm 2016, tôi là một trong số những giáo viên được tham gia khóa đào tạo do Sở GD-ĐT tổ chức. Giảng viên giảng dạy chúng tôi được mời từ các trung tâm tiếng Anh, nhưng bản thân những giảng viên này cũng không được đào tạo chuyên sâu và hiểu rõ về các phương pháp mình đang trình bày. Nhiều câu hỏi chúng tôi đưa ra, giảng viên còn… ngơ ngác.

Chúng tôi hiểu rằng mục đích của việc bồi dưỡng là nhằm nâng cao trình độ cho giáo viên, nhưng tôi vô cùng băn khoăn liệu những khoá học tiếp theo của Sở GD-ĐT sẽ tổ chức thế nào? Nếu vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên như đề án ngoại ngữ 2020 thì thật lãng phí thời gian của giáo viên và tiền bạc của nhà nước. Bản thân giáo viên cũng không còn ai muốn đi học nữa.

Bên cạnh đó, nhiều trường không có quỹ giáo viên dự phòng để giảng dạy thay cho các thầy cô trong thời gian đi học. Đây cũng là thời điểm học sinh đang bước vào giai đoạn thi cuối cấp. Giáo viên rất khó để cân bằng giữa chuyện ôn luyện và giảng dạy chuyên môn.

Giáo viên vẫn phải tự học là chính, đồng thời các Sở GD-ĐT cần bổ sung thêm những lớp đào tạo về phương pháp giảng dạy, như vậy sẽ hữu ích cho giáo viên hơn rất nhiều.

Đây là điều thực sự cần thiết để giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và tự tin đứng lớp, nhất là trong thời đại 4.0 - khi học sinh dễ dàng tiếp cận với đa phương tiện và sử dụng các phần mềm trong việc học, thực hành tiếng Anh.

Chi Mai (Giáo viên tiếng Anh, Hà Nội)

Ý kiến của bạn về các vấn đề, câu chuyện của giáo dục hiện nay, xin gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Học sinh 7.5 IELTS, giáo viên không trên mức ấy sao dạy được học trò?

Học sinh 7.5 IELTS, giáo viên không trên mức ấy sao dạy được học trò?

Không ít thầy cô hoang mang, lo sẽ “gặp khó” để đạt 6.5 IELTS. Song phụ huynh và nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng điều này là cần thiết.