- Trong “9 nhiệm vụ, 5 giải pháp” của năm học 2017 – 2018, ngành giáo dục xác định “nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp” là một trong những giải pháp hàng đầu. Giáo viên mong muốn có hiệu trưởng và ban giám hiệu như thế nào? Đứng trước câu hỏi này, hầu hết các giáo viên đều cho rằng rất khó trả lời bởi đơn giản có mong thì thực tế cũng khó mà được.
Cô Trần Thị Ngọc, một giáo viên tại Hà Nội nói: “Cái đơn giản nhất tôi mong muốn ở Hiệu trưởng cũng như ban giám hiệu đầu tiên là sự công bằng".
Bên cạnh đó, cô giáo này cũng mong hiệu trưởng đừng quá máy móc; tùy hoàn cảnh từng trường cụ thể để có các yêu cầu thực hiện văn bản cho phù hợp, không lấy cớ để xử ép giáo viên.
“Với những hiệu trưởng rập khuôn máy móc thì giáo viên rất mệt. Và đặc biệt cần người đứng đầu thật sự công tâm để thiện cảm hay không ưa cũng không trù dập. Nói vậy bởi có giáo viên chỉ vì không được lòng một trong các thành viên của ban giám hiệu nên bị trù dập đến khổ sở. Nhẹ nhàng nhất là không cho đứng lớp, rồi làm gì cũng bị soi mói,…”, cô Ngọc chia sẻ.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên tại tỉnh Bình Dương bày tỏ mong muốn hiệu trưởng ở các trường công lập "cũng được như trường tư", tức là coi trọng chất lượng giáo dục hơn lợi ích cá nhân, đặc biệt trọng dụng những giáo viên có năng lực thực sự.
“Tốt nhất cho môi trường giáo dục là ban giám hiệu không bè phái và chèn ép những giáo viên dù có năng lực nhưng không biết nịnh nọt, luồn cúi".
Cô Thủy cũng mong các hiệu trưởng có thể lắng nghe, tiếp nhận những nhận xét trái chiều về mình, thay vì như thực tế hầu hết hiện nay, giáo viên chỉ cần “hé ra một tí” thì có thể bị o ép và luân chuyển.
“Theo cô Thủy, lãnh đạo càng chuyên quyền tham ô nhiều thì càng giỏi tìm cách kết bè phái cất nhắc người cung phụng và không dám nói trái chiều.
“Thế nên giáo dục không phát triển được khi cứ trên bảo dưới nghe răm rắp. Hiệu trưởng bảo sao giáo viên nghe vậy, ai ho he gì thì sẽ biết ngay kết quả... bằng cách này hay cách khác.
Có quyền hành trong tay, ai có tâm, có đức mới giữ được tư chất tốt, còn không thì dễ sinh nhũng nhiễu".
Thầy Đoàn Quốc Điệp, một giáo viên ở TP.HCM cho hay nếu hỏi giáo viên mong gì ở hiệu trưởng thì rất khó, bởi có mong rồi cũng không được.
“Mong gì ở hiệu trưởng của mình? Đây là một câu hỏi khó. Một ngày đẹp trời cuối năm ngoái tôi bị hiệu trưởng gọi lên phòng làm việc riêng vì những khoản thu chi của lớp về công trình xã hội hoá và khoản thu mang mác tự nguyện phụ huynh ủng hộ nhà trường chưa đóng hết. Cô hiệu trưởng đã nói với tôi rằng “đầu năm lớp thầy được phân công đóng góp, thầy hãy đôn thúc phụ huynh hoàn thành sớm để nhà trường đưa vào quyết toán. Nếu không lớp thầy sẽ bị ảnh hưởng thi đua”, thầy Điệp thành thật.
“Quả thực chuyện đóng góp của lớp tôi bị nhắc rất nhiều lần. Nhắc nơi ít người có, nhiều người có, trong phòng có, giữa hội đồng có và cả giữa sân trường. Không có cách nào khác, tôi lại phải về đôn thúc học sinh và phụ huynh. Tôi có cảm giác mình như một người đi đòi nợ thay”, thầy Điệp ngậm ngùi.
Theo thầy Điệp, dù là hiệu trưởng ở trường thì ở nhà họ vẫn là một phụ huynh và đã từng là một giáo viên, do đó nên đặt mình vào những vị trí đó để có cách xử lý phù hợp. “Dù những việc này giáo viên chủ nhiệm chúng tôi không được gì nhưng việc cứ bị bêu rếu là điều khó coi. Các lớp khác sẽ nhìn lớp của tôi với tâm lý giễu cợt. Tôi nghĩ những người lãnh đạo phải tế nhị, ý nhị và có sự cảm thông thì các giáo viên mới tâm phục, khẩu phục và có thêm động lực phấn đấu, cố gắng trong dạy học”, thầy Điệp nói.
Cô N.T, giáo viên một trường tiểu học tại quận 1 TP.HCM cho biết, do trường có nhiều cơ sở nên việc giáo viên được tiếp xúc với hiệu trưởng là điều hiếm hoi. Vì vậy, những lần gặp gỡ cũng chỉ kịp tương tác bằng những cái gật đầu, câu chào chứ không có cơ hội được trò chuyện.
“Chúng tôi mong muốn có một hiệu trưởng công tâm và quan tâm đến cấp dưới. Công tâm ở đây là trong công việc phải công bằng, phân biệt rõ việc nào đúng, việc nào sai và không cảm tính đối với giáo viên. Ngoài ra, vai trò Hiệu trưởng cũng cần phải biết quan tâm tới nhân viên của mình không chỉ đời sống vật chất mà cả động viên tinh thần. Quan tâm ở đây là quan tâm thật sự chứ không phải màu mè bằng những lời nói qua loa".
Cô Nguyễn Thị Thảo, một giáo viên ở Nghệ An cho biết bản thân cô và các đồng nghiệp rất may mắn khi trường có một hiệu trưởng bình dị và gẫn gũi.
“Giữa ca đổi tiết, hiệu trưởng lại qua phòng giáo viên tâm sự, uống nước, và trò chuyện cùng giáo viên, từng đó thôi đủ để thấy một sự gần gũi và sẻ chia”.
Cô Thảo cho rằng có lẽ mong muốn của giáo viên đối với hiệu trưởng cũng như của bất kỳ nhân viên với lãnh đạo ở các đơn vị khác. Đó là người đứng đầu ngoài việc quan tâm tới đời sống nhân viên thì những quyết sách đưa ra cần phù hợp và không ảnh hưởng tiêu cực tới cấp dưới của mình. Có như vậy mới có thể tiếp thêm động lực và xây dựng một môi trường thân thiện, tích cực.
Thanh Hùng - Lê Huyền