- Tôi là tác giả bài báo “Yêu cầu học sinh lớp 2 nhớ tên 5 hoa hậu thế giới”. Định bụng không nói lại chuyện này nữa. Thế nhưng, khi biết có thông tin sách dạy trẻ đi trên thủy tinh thì tôi không thể im lặng.
Lí do là vì cái cách giải thích mang tính “cãi lấy được” và phương pháp giáo dục lạ lẫm mà các nhà soạn sách đưa ra.
Ngày 3/2/2015, sau khi Vietnamnet đăng bài “Yêu cầu HS lớp 2 nhớ tên 5 hoa hậu thế giới”, ông Phan Quốc Việt, chủ biên bộ sách “Thực hành kĩ năng sống” trả lời phóng viên và cảm ơn tôi đã chỉ ra những khiếm khuyết của bộ sách. Ông Việt nói: “Các thầy cô giáo đã được đào tạo kĩ năng sống bao giờ đâu”.
Quả đúng là các trường sư phạm trước đây chúng tôi học không có tài liệu hay sách “Kĩ năng sống” của các tiến sĩ biên soạn. Thế nhưng, kĩ năng sống của các thầy các cô bao thế hệ xưa và nay đã và luôn được trau dồi, rèn giũa qua trải nghiệm phong phú hàng ngày. Mặt khác, kĩ năng sống luôn được liên hệ, bổ sung trong từng môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường sư phạm.
Kĩ năng sống không thể trông chờ vào một môn, một bộ sách. Mà đó là cả quá trình lâu dài chiêm nghiệm, tích lũy. Với trẻ em, nó có thể vừa được tạo ra qua những bài học bổ ích, nhưng chủ yếu vẫn là các hoạt động có tính giáo dục phong phú hàng ngày ở trường, ở gia đình các em.
Trở lại chuyện bộ sách “Thực hành kĩ năng sống” của NXB Giáo dục Việt Nam. Tôi không phản đối và rất mong muốn NXB phát hành những cuốn sách giúp các thầy cô coi đó là cẩm nang, là tư liệu hay để giáo dục các em về cách sống ở đời.
Nhưng tôi rất thất vọng khi NXB cho ra đời những cuốn sách có nội dung hàn lâm, đã không phù hợp tâm sinh lí lứa tuổi lại gây tốn kém tiền của cha mẹ HS.
Tôi chỉ là một giáo viên được đào tạo từ Trường Trung học Sư phạm, không có lí luận nhiều về những cái như “chuẩn bị bài thuyết trình”, “tương tác hội trường”, “loại hình thông minh”, “hoài bão cuộc đời”. Nhưng tôi thiết nghĩ: Với trẻ từ 6 - 10 tuổi ở Tiểu học, ta dạy sao để các em yêu và tự hào về Tổ quốc mình; biết quý trọng gia đình và chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh chị em khi cần thiết; yêu trường lớp, quý mến bạn bè, thầy cô; có cách nói năng, xưng hô đúng mực, thương yêu đồng loại; căm ghét cái ác, dũng cảm đấu tranh với cái xấu; … với điều kiện phải là những cái gần gũi để tránh va chạm đáng tiếc hàng ngày,
Dạy các em những cái như thuyết trình, tương tác, luyện trí nhớ, hai bán cầu não, … mà bộ sách này in ra cũng đúng. TS. Phan Quốc Việt giải thích “chữ Hán là tinh hoa của thế giới nên ta cần học” kể cũng đúng. Nhưng với HS lớp 5 chưa cần phải phân tích chữ “thính” Hán tự làm gì…Nói kĩ năng sống thì vô cùng. Dạy kiến thức gì cũng là dạy kĩ năng sống. Chẳng hạn, dạy toán cộng, trừ, nhân chia cũng là dạy kĩ năng sống. Dạy để HS biết :Bộ não chúng ta có 100 tỉ nơ-ron …” cũng là dạy kĩ năng sống. Thế nhưng, nếu cứ soạn sách theo hướng đó thì … bàn luận cả ngày không hết.
Câu chuyện “Bé An dũng cảm” chỉ là một trong nhiều khiếm khuyết của bộ sách. Chủ biên bộ sách cho biết bài này đã sửa ở lần tái bản. Có lẽ, cứ mỗi lần tái bản lại sửa một vài bài thì sẽ còn sửa nhiều lắm. Sách nào cũng có chỗ có thể chưa chính xác, nhưng nếu đã ở mức không đảm bảo thì không nên tái bản. Bộ sách này rất nặng về lí thuyết chứ không nặng thực hành, nội dung hàn lâm, không hợp lứa tuổi.
Đây là sách tham khảo nhưng đã đưa về nhà trường thì thế nào mỗi tuần cũng mất thời gian vào nó. Chúng ta nên dành thời gian đó cho các em được “chơi” để bớt căng thẳng những giờ học của các môn học. Nên chăng, năm học 2015-2016 này, không nên dạy bộ sách “Thực hành kĩ năng sống” ở Tiểu học nữa?
- Trần Trung Huy