- Trong khi công cuộc đổi mới giáo dục đang được các chuyên gia giáo dục hối thúc học hỏi những tư tưởng giáo dục hiện đại thì với giáo trình tái bản đến hàng chục lần, sinh viên sư phạm vẫn mù mờ về chính ngành nghề của mình?

THÔNG TIN LIÊN QUAN:


  
Thí sinh sau giờ thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhóm sinh viên khoa Toán một trường đại học lớn đào tạo về sư phạm, đang học năm thứ 3 khi được hỏi về công nghệ giáo dục (CNGD) và những phát biểu về giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, một trong những "cây đại thụ" trong ngành giáo dục, đã nói: “Chúng tôi không biết và cũng không đọc sách gì của GS Hồ Ngọc Đại mà chỉ học giáo trình Tâm lý học và giáo dục thôi.”

Họ cho biết, những cái tên nhớ được khi học hai môn này là các giáo sư viết sách và một số tên tiếng Nga. Ngoài ra, giáo trình không đề cập đến một tư tưởng giáo dục hay một nghiên cứu tâm lý sư phạm nào khác.

Vì thế, cái tên Hồ Ngọc Đại rất xa lạ. John Dewey (tác giả cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục"), J. J. Rousseau (tác giả cuốn sách "Émile hay là về giáo dục"), lại càng là một khái niệm xa tít tắp.

Nguyên nhân được 3 bạn giải thích: “Thực ra, những môn Tâm lý, giáo dục học không phải môn chuyên ngành nên chúng tôi cũng ít quan tâm.”

Phương pháp giảng dạy hay nghiệp vụ sư phạm được các bạn hiểu đơn sơ là cách dạy một kiến thức Toán học hay những tình huống sư phạm thường được nghe giảng viên kể. Theo các bạn, nếu có nghiệp vụ sư phạm thì sẽ truyền đạt cho học sinh hiểu ý mình tốt hơn. Các bạn tin rằng, sau khi ra trường sẽ tiếp xúc nhiều thì sẽ nắm được tâm lý học sinh.

Hơn nữa, giáo trình chỉ nói những kiến thức chung, không cụ thể về cách dạy hay tâm lý như thế nào.

Phương Loan (tên đã thay đổi), học viên cao học năm thứ hai chuyên ngành Văn học có một quan điểm rõ ràng vì sao mình không biết đến những nhân vật hay tư tưởng nổi tiếng này:

"Mình chỉ học giáo trình, thầy cô giới thiệu cuốn nào sẽ đọc cuốn đó. Trong nhà trường, cái gì là chuẩn, là chính thống thì sinh viên mới được học nhiều, tìm hiểu nhiều. Cá nhân mình chỉ quan tâm đến môn chuyên ngành thôi.”
“Môn Lý luận dạy học hiện đại với mình đơn giản chỉ là môn 6 đơn vị học trình ở bậc đại học và 3 đơn vị học trình ở cao học. Mình chỉ học giáo trình, thầy cô giới thiệu cuốn nào sẽ đọc cuốn đó. Trong nhà trường, cái gì là chuẩn, là chính thống thì sinh viên mới được học nhiều, tìm hiểu nhiều. Cá nhân mình chỉ quan tâm đến môn chuyên ngành thôi.”

Trò chuyện với khoảng hơn 20 sinh viên, học viên cao học sư phạm và thường được các bạn giới thiệu tìm gặp sinh viên ngành tâm lý giáo dục, giáo dục học hay quản lý giáo dục để tìm hiểu nhiều hơn về CNGD hay các tư tưởng giáo dục khác.

Lê Vân, một sinh viên năm thứ 4 ngành Quản lý giáo dục cho biết, bạn được học về CNGD của GS Hồ Ngọc Đại.

Nhưng theo hiểu biết của Vân: “Các chương trình thay đổi của thầy Hồ Ngọc Đại có phần đổi mới và tiếp cận chuyên sâu đến con người hơn như phát triển chuyên biệt hay gì đấy…nhưng xét đến tính công bằng hay đem đến cơ hội cho tất cả mọi người thì nó không đạt đến mà nó chỉ chuyên sâu phát triển  để đưa tiềm năng của một ai đó lên.”

Vân được giới thiệu về John Dewey nhưng bạn thừa nhận là chưa kịp đọc cuốn sách nổi tiếng của ông được dịch ra tiếng Việt.

Còn Hồng Thắm, học viên cao học ngành Tâm lý sư phạm chia sẻ, mình đã đọc một số sách của GS Hồ Ngọc Đại khi học ĐH nhưng khi lên cao học, chuyên ngành tập trung vào tâm lý sư phạm, nghiệp vụ nên không còn chú ý đến các sách này nữa.

Trong khi đó, nhiều công trình của GS Hồ Ngọc Đại rất tập trung về tâm lý và nghiệp vụ sư phạm.

Lê Thu, học viên ngành Giáo dục học cho biết, bạn đã đọc rất nhiều về công trình của GS Hồ Ngọc Đại, còn những tư tưởng nổi tiếng có trong các sách như Dân chủ và giáo dục, Giáo dục 3.0 (giáo dục đa chiều với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin), Emily hay là về Giáo dục…bạn đã tiếp cận được một phần. Hầu hết đều là tự tìm hiểu.

Thu băn khoăn khi những kiến thức học trong trường đều kế thừa từ Liên Xô nhưng hiện tại, những tư tưởng chủ đạo và được nhiều nhà giáo dục thừa nhận lại xuất phát từ giáo dục phương Tây. Tuy nhiên, trong nhà trường, những tư tưởng lừng danh như vậy lại chỉ được nhắc đến rất nhẹ nhàng, thoáng qua.

Thu băn khoăn khi những kiến thức học trong trường đều kế thừa từ Liên Xô nhưng hiện tại, những tư tưởng chủ đạo và được nhiều nhà giáo dục thừa nhận lại xuất phát từ giáo dục phương Tây.

Theo Thu, đó là một lý do để sinh viên sư phạm ở các chuyên ngành riêng như Toán, Lý, Văn, Sử…không biết chút gì về các nhà giáo dục lớn này. Còn sinh viên của Tâm lý, Giáo dục,…được biết nhưng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa".

Một lý do quan trọng nữa là chuyện thi cử vẫn theo xu hướng "thi gì học nấy".

Thu nói: “ Nếu thi vào những kiến thức này thì ngay lập tức, bắt buộc ai cũng sẽ biết. Nhưng những nguồn kiến thức này chưa được đánh giá bài bản trong chương trình học, vắng mặt trong giáo trình nên sinh viên không coi trọng.”

Trong khi công cuộc đổi mới giáo dục đang được các chuyên gia giáo dục hối thúc việc học hỏi những tư tưởng giáo dục hiện đại ở cả trong và ngoài nước thì bao nhiêu năm qua, cùng với giáo trình tái bản đến hàng chục lần, sinh viên sư phạm vẫn mù mờ về chính ngành nghề của mình?

  • Nhã Uyên