Gần 12h đêm Giáng sinh, tài khoản Facebook M.X, là một bạn nữ 20 tuổi, chia trẻ trong một nhóm kín có gần 30.000 thành viên: Noel của các bạn như thế nào? Còn đây là Giáng sinh của mình. Khi cô độc, chúng ta thật tự do.
Đi kèm đó là hình ảnh cánh tay X. từ trên xuống dưới chi chít những vết rạch mới tứa máu bên cạnh nhiều đường rạch cũ đã mờ sẹo.
X. kể, cô bắt đầu rạch tay, chân từ cách đây 3 năm. Cô chia tay bạn trai cũng đã hơn một năm vì anh ấy không chịu nổi người tiêu cực như X.
"Khi có sự cố nào đó, hay cảm xúc tồi tệ, mình lại rạch, thấy dễ chịu hơn", X. nói.
Mấy tháng rồi, X. không phải dùng đến nó. Nhưng dịp Giáng sinh, cảm giác tồi tệ lại tràn về. X. một mình, không có lấy một người thân, bạn bè bên cạnh. Cô lại rạch...
Không chỉ X., hàng loạt trạng thái của nhiều bạn trẻ chia sẻ về đêm Noel của mình. Với họ, những ngày lễ lại là thời điểm tệ hại nhất.
Có những bạn như X, có em học sinh chỉ mới 16 tuổi vì em thấy mệt mỏi vì học tập, thấy không có gì vui, bị bạn bè bắt nạt. Hay có bạn bị body shaming (miệt thị về ngoại hình) đến mức ám ảnh. Có cô gái 25 tuổi đã là mẹ của hai đứa con mệt mỏi, chán nản với đủ áp lực.
Có người, đã chuẩn bị sẵn vài viên thuốc ngủ để uống rồi ngủ, để mai mở mắt ra là đã hết ngày lễ, sang ngày mới.
Hay có bạn, cả đêm ngồi ở ban công uống uống rượu cho say khướt, nằm bẹp, nôn ói giữa ban công. Một chàng trai trẻ khác, chụp hình đường phố vùn vụt, kể: "Tớ một mình chạy xe như điên hơn chục cây số! Giờ về, tu chai rượu ngủ đây!"
Một số bạn hỏi nhau: Có nên chọn thời điểm này để kết thúc?
Tiếng "kêu cứu" của người trẻ
Những dịp lễ như Noel, ngày Tết, ngày Tình yêu... có thể là ngày vui với nhiều người nhưng ở trạng thái ngược lại, với không ít người, đây là những thời điểm khủng hoảng nhất.
Họ là những người đã rất cô đơn, không có người thân bên cạnh, không nhận được sự chia sẻ, không tìm được giá trị bản thân với những cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi. Và ngày lễ, cảm giác đó dường như càng lên cao hơn, hành vi hủy hoại bản thân tăng lên.
Tình trạng trầm cảm ở người trẻ vẫn còn rất ít được chú ý, quan tâm. Phía sau những hình ảnh trên mạng xã hội hào nhoáng, lung linh, ăn ngon mặc đẹp, vui tươi, thành công... có thể là một con người đang cô đơn, cạn kiệt đến tận cùng.
Phía sau những hào nhoáng, những góc khuất của mỗi người ít được để ý hơn. Nhiều người trẻ không tìm được chính mình, không tìm được sự chia sẻ, phải đối diện với rất nhiều áp lực.
Đã rất nhiều người trẻ được nhận diện trẻ đẹp, thành công, là thần tượng của bao nhiêu người. Cho đến khi mọi người không khỏi sốc khi họ chọn kết liễu đời mình.
Cái chết của nữ ca sĩ thần tượng Sulli vào cuối năm 2019 đã từng "đánh thức" vấn đề này. Và thực tế, xung quanh ta, không ít người trẻ, cũng chọn kết liễu đời mình...
Vậy nhưng, kể cả khi một người có những biểu hiện như vậy, nhiều người xung quanh có khi chính là bố mẹ, anh chị em, bạn bè... vẫn cho là vẽ chuyện, vớ vẩn, có gì mà phải buồn, sướng quá phát bệnh. Tình trạng, cảm xúc của họ không được thừa nhận, quan tâm nên tình trạng càng xấu hơn.
Trong cuốn sách "Có một cơn đau mang tên trầm cảm", tác giả, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam nhấn mạnh khi con em chúng ta nói rằng chúng có vấn đề, nghĩa là chúng đang thật sự đau khổ.
Hoặc chúng không nói ra được mà đóng kín cửa, khóa trái mình bên trong phòng, khóc lóc, lên án, đòi tự vẫn... thì chẳng phải chúng "làm màu", mà là chúng đang kêu cứu.
Một bác sĩ tâm lý tại TPHCM chia sẻ, một khuynh hướng rất rõ ràng trong nhiều năm gần đây là tình trạng trầm cảm ở vị thành niên. Họ làm đau bản thân, có ý định tự sát hoặc tự sát thật sự khi không có khả năng ứng phó, hóa giải những khó khăn mà mình phải đối mặt.
Vấn đề sức khỏe tâm thần, trầm cảm ở người trẻ thật sự rất cần được quan tâm.
Người trẻ Trung Quốc viết di chúc sớm để sống sâu sắc hơn
Một nữ sinh viên năm nhất đại học ở Thượng Hải, Trung Quốc vừa viết di chúc, quyết định để lại toàn bộ tài sản của mình cho một người bạn sau khi cô qua đời.
Theo Dân Trí