Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội nhiều năm được địa phương tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu vì luôn duy trì nếp sống gương mẫu, trên dưới thuận hòa, ứng xử hòa đồng, tích cực với việc làng, việc xóm.

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, ông Dũng nỗ lực với công tác xây dựng nông thôn mới, cải tạo cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa và xây dựng các mô hình “văn thể mỹ” ở địa phương.

Trong gia đình ông Dũng, ngoài việc bố mẹ nêu gương, giáo dục con cháu ngoan ngoãn, hiếu thuận, vợ chồng ông bà cũng luôn sống chan hòa với xóm giềng, vận động bà con cùng thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chung sức giữ vững thôn văn hóa, khu dân cư an toàn.

Gia đình ông Trần Hữu Toản ở thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, cũng được nhân dân địa phương yêu quý, tín nhiệm vì gia đình đoàn kết, lại có lối ứng xử văn hóa, hòa đồng với xung quanh; luôn đi đầu trong công tác xã hội, nhiệt tình chung tay trong xây dựng nông thôn mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự địa phương. Gia đình ông được vinh danh gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm.

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên chia sẻ, bằng lối sống gương mẫu, trân trọng các giá trị văn hóa tốt đẹp cùng ý thức trách nhiệm với cộng đồng, gia đình ông Trần Hữu Toản đã góp phần nêu gương, lan tỏa phong trào vun đắp văn hóa gia đình, xây dựng thôn, làng đoàn kết, gắn bó.

giadinh-thachthao.png
Gia đình bà Nguyễn Thị Tị (83 tuổi) ở huyện Đan Phượng, Hà Nội nhiều đời nay giữ truyền thông gói bánh chưng, bánh gấc mỗi khi Tết đến xuân về.

Tại Hà Nội, mỗi gia đình có bí quyết riêng trong việc gìn giữ tổ ấm và xây dựng theo các tiêu chí gia đình văn hóa. Hằng năm, các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đều tiến hành rà soát, bình bầu gia đình văn hóa tiêu biểu để đề xuất thành phố biểu dương khen thưởng. Những gia đình được đề xuất đều là điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở bằng những cách làm sáng tạo, bền bỉ vì lợi ích chung của cộng đồng.

Rất nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu ở Thủ đô được cộng đồng ghi nhận với lối sống đẹp cùng những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Có thể kể đến, gia đình bà Đỗ Thị Dụ ở phố Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông với 4 thế hệ, 39 thành viên chung sống thuận hòa, luôn năng nổ cùng việc làng, việc xóm. Hay gia đình bà Trần Thị Loát, phường Đức Giang, quận Long Biên, có sự nghiệp vững chắc và cháu chắt học hành tấn tới…

Thành phố Hà Nội đánh giá đây là những “hạt nhân” quan trọng ở cơ sở giúp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố ngày càng đi vào thực chất. Để đồng hành cũng nhân tố điển hình này, các quận, huyện, thị xã đang phối hợp với những đơn vị liên quan từ thành phố tới cơ sở thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo.

Nếu như huyện Ứng Hòa triển khai mô hình câu lạc bộ “Gia đình văn minh, hạnh phúc” thì huyện Đan Phượng vận động thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Huyện Chương Mỹ tổ chức tọa đàm “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, trong khi huyện Thanh Trì nhân rộng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”.

Trong kế hoạch phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, Hà Nội chủ trương thực hiện 3 nội dung cốt lõi là: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Xây dựng gia đình văn hóa, và xây dựng các mô hình văn hóa. Nhờ vậy, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn. Tính đến nay, toàn thành phố có gần 2 triệu hộ gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ trên 95%.

Thế Mỹ và nhóm PV, BTV