Theo báo cáo nhanh công tác trực ban Phòng chống thiên tai (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai) cho biết, ngày và đêm 20/12, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 20/12, ở khu vực Giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

W-cuu-ho-1.jpeg
Lực lượng cứu hộ đưa ngư dân gặp nạn lên thuyền 

Cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa giông trên biển, ngày 17/12/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công điện số 19/CĐ-QG gửi các Bộ và các tỉnh/tp khu vực ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với bão, ATNĐ gần biển Đông.

Theo đó, công điện yêu cầu các cơ quan chức năng thông báo cho những phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...

Đồng thời khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên những phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết.

Khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới, bão tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão...

Để  bà con ngư dân ứng phó với thiên tai, sự cố, tai nạn trên biển đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã có một loạt những lưu ý.

Trong đó, các phương tiện cần chú trọng trang bị các trang thiết bị thông tin cần thiết, bởi đó chính là sự sống còn của những người đi biển mỗi khi phương tiện gặp sự cố cần sự trợ giúp.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng theo chiều hướng xấu như hiện nay, thời tiết ngày càng trở nên khó lường.Theo số liệu thống kê nhiều năm thì trung bình hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 áp thấp nhiệt đới ảnh hư­ởng đến Việt Nam. Mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12. Hàng năm bão gây thiệt hại nặng nề cho những quốc gia ven biển trong đó có Việt Nam. 

Điều này cho thấy, hệ thống thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn an ninh mỗi khi tàu ra khơi. Theo đó, ngư dân cần chủ động bật máy thu tự động, chuyên dụng thông tin dự báo, để thường xuyên lắng nghe các thông tin về cảnh báo thiên tai như bão, áp thấp, thời tiết nguy hiểm, gió mùa…hoặc các bản tin thời tiết biển hàng ngày để có thể đề phòng, chủ động tránh trú hay tìm cách xử lý hiệu quả khi gặp thời tiết bất thường. 

Các bản tin này đều được Hệ thống đài thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cập nhật và phát trên tần số 7906 kHz và 8294kHz. Đặc biệt, trong trường hợp có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bản tin cảnh báo sẽ được phát liên tục trong ngày với khoảng cách 15 phút/phiên trên tần số 7906 kHz.

Khi gặp sự cố trên biển, ngư dân hãy gọi đến đài thông tin duyên hải gần nhất thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam cũng như với các cơ quan ban ngành liên quan sớm nhất.

Khi gặp bão, các tàu thuyền cần nhanh chóng  đổi hướng để tránh bão, có thể thả trôi hay dừng máy, thậm chí có thể quay trở lại để tránh xa tâm bão. Khi gặp gió mùa mạnh nên giảm máy, chọn hướng đi thích hợp để giảm lắc cho tàu, chờ cơn gió mùa mạnh tràn qua sau đó mới tăng dần tốc độ.

N. Huyền