Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ngày 22/12 cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; vùng biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Trong đó, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và giông, tầm nhìn xa trên 10km, gió Đông Bắc cấp 4-5. Sóng cao 1,5 - 2,5m.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Kiên Giang đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.

Trước ảnh hưởng của thời tiết, sáng ngày 22/12, lãnh đạo Cảng vụ hàng hải tỉnh Kiên Giang cho biết, tàu, phà cao tốc từ Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc và ngược lại tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Nguyên nhân là do tình hình thời tiết sáng nay (22/12) trên vùng biển tỉnh Kiên Giang bất thường, gió Đông và Đông Bắc giật cấp 5, có lúc cấp 6 có lúc cấp 7, 8, sóng cao từ 1.75m đến 2m nên Cảng vụ tỉnh này đã yêu cầu tàu thuyền tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

W-cuu-2212-1.jpeg
Lực lượng cứu nạn hàng hải hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển.

Các chuyến tuyến tàu, phà cao tốc tạm ngưng hoạt động gồm: Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc; Rạch Giá đi Nam Du và ngược lại. Riêng tuyến Rạch Giá đi Lại Sơn và ngược lại do cảng vụ nội địa quản lý nên vẫn hoạt động bình thường.

Sau khi nhận thông tin tàu, phà tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng thời tiết xấu, các hãng tàu, phà đã thông báo đến các đại lý và hành khách việc tàu, phà tạm ngưng hoạt động để hành khách chủ động công việc và thời gian. Đồng thời hoàn trả lại tiền vé hoặc dời sang chuyến sau khi tàu hoạt động trở lại.

Đối với các bà con ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi, để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như phương tiện sản xuất, Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) đã hướng dẫn cách ứng phó với bão và thời tiết xấu trên biển, khi tàu thuyền không kịp về bến neo đậu.

Trước hết phải duy trực tàu, theo đó trong cabin lái, ngoài thuyền trưởng ít nhất luôn luôn phải có từ 1 – 2 người có khả năng lái tàu cùng trực, trong hầm máy phải có ít nhất 2 người trực liên tục. 

Trong mọi trường hợp, không được lái hoặc để cho tàu trôi xuôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn. Trong trường hơp không may tàu mất khả năng điều động (do máy tàu bị hỏng hoặc do trục gãy, rơi chân vịt), tại vị trí độ sâu nhỏ hơn hoặc bằng 1/7 chiều dài dây neo thì phải thả neo ngay.

Trường hợp độ sâu lớn, cố định lái ở vị trí 0 độ, thả neo dù để tàu trôi theo nước. Bên cạnh đó, phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đặc biệt là tàu cùng tổ, đội đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu khẩn cấp.

Trong trường hợp khẩn cấp, sử dụng các tín hiệu báo hiệu tàu bị nạn cần trợ giúp, thuỷ thủ đoàn dùng bất kì một thiết bị phát tín hiệu sa mù nào đó để phát ra âm thanh liên tục… Ban ngày treo một tín hiệu gồm một cờ hình vuông ở bên trên hay bên dưới một quả cầu hoặc một vật có hình cầu hoặc treo cờ chữ U; ban đêm dùng đèn phát các tín hiệu bất thường, khác các tín hiệu hàng hải trên tàu để kêu gọi sự chú ý.

Khi tàu thuyền nằm trong vùng gần tâm bão, với tàu có độ cân bằng tốt có thể thả trôi sao cho mạn phải của tàu quay về hướng gió nhằm tránh bị nước trào lên boong và hạn chế được sức đập dữ dội của sóng vào mạn tàu. 

Đề phòng tàu bị lắc ngang mạnh có thể cho tàu chạy tiến hoặc lùi kết hợp tay lại giữ cho hướng di chuyển hợp với hướng sóng một góc thích hợp để hạn chế hiện tượng cộng hưởng, tránh bị lật tàu. 

Trong mọi trường hợp điều tối kỵ là lái hoặc bỏ mặc cho tàu trôi xuôi theo chiều gió, vì gió bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn, nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, để giảm sức đập của sóng, người điều khiển thuyền có thể thực hiện một số biện pháp như: thả dầu nhờn xuống biển, vứt các hàng hóa, thiết bị nặng cồng kềnh trên boong tàu xuống biển.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV