Sau bài viết Tôi đưa mẹ vào viện dưỡng lão… được đăng tải trên VietNamNet, nhiều độc giả đã gửi mail cho báo và chia sẻ về những tâm tư, nguyện vọng và thậm chí là những băn khoăn cá nhân liên quan đến chủ đề rất thú vị này.

Xin lược lại sơ qua về bài viết Tôi đưa mẹ vào viện dưỡng lão… để quý độc giả nắm được thông tin. Anh Nguyễn Huy Tuấn (42 tuổi, quê Hưng Yên – đang sống và làm việc ở Hà Nội) đã quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão sau những trăn trở và trực tiếp hỏi ý kiến mẹ mình. Gia cảnh nhà anh Tuấn, bố mất sớm, chị gái lấy chồng xa. Gia đình riêng của anh thì vợ bận buôn bán, chăm 2 con gái nhỏ; anh hay phải đi công tác xa nhà và không thể trực tiếp chăm mẹ những lúc ốm đau. 

Đặc biệt, sau cơn tai biến, mẹ anh Tuấn phải cần người chăm sóc, túc trực bên cạnh. Dù các cô chú và các dì ruột anh Tuấn tỏ ý không hài lòng việc anh đưa mẹ vào viện dưỡng lão, nhưng cũng không đưa ra được giải pháp tối ưu nào cho vấn đề này. Chính vì vậy, anh Tuấn quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão sau khi trực tiếp đi khảo sát cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt cũng như nghe nhân viên y tế tư vấn tại các trung tâm. 

Sau bài viết có 2 luồng ý kiến trái chiều, những người ủng hộ anh Tuấn thì cho rằng, đây là quyết định khôn ngoan, một cách báo hiếu cha mẹ đúng cách và cần nhân rộng cho những gia đình có điều kiện kinh tế nhưng eo hẹp về thời gian chăm sóc cha mẹ. Nhưng luồng ý kiến ngược lại cho rằng, nuôi con mong ngày báo đáp, không đâu bằng ở nhà, chả có gì quý hơn tình thân mà sao nỡ “đẩy” mẹ cha cho người ngoài chăm sóc.

Tự nhận mình là người rất khéo tay và hiểu tâm lý người già, chị Nguyễn Thị Duyên, chuyên gia tâm lý tại một trường học tại Hà Nội phân tích: “May mắn tôi được học tâm lý học 4 năm và làm về lĩnh vực này nên có đôi chút hiểu về tâm lý người già. Đúng là những lo ngại của nhiều người phản đối đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão không hẳn sai, bởi họ cho rằng khi về già thì sự cô đơn là điều ám ảnh nhất với người cao tuổi. Do vậy, tâm lý muốn gần con cháu lúc về già là điều dễ hiểu”.

8 vien duong lao.jpg
Viện dưỡng lão - nơi các cụ được chăm sóc chu đáo, kiểm tra y tế chu đáo sẽ là lựa chọn đáng để các bạn trẻ không có điều kiện chăm sóc cân nhắc. 

“Tuy nhiên, điều kiện không cho phép khiến nhiều gia đình bắt buộc phải đưa mẹ cha vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Mô hình này không mới ở các quốc gia phát triển, nhưng ở Việt Nam do nhận thức còn có nhiều khác biệt về văn hóa, nên mô hình này thời gian dài vẫn có sự e dè từ chính người cao tuổi. Tuy nhiên, khi được tham quan và tận mắt chứng kiến nơi mình sẽ được chăm sóc, phụng dưỡng lúc về già và đặc biệt là không cần phải cậy nhờ con cháu thì chính nhiều người cao tuổi lại hăng hái xin… vào viện dưỡng lão. Câu chuyện của anh Tuấn trong bài viết trên cũng là một ví dụ”, chị Nguyễn Thị Duyên nói.

Cùng quan điểm ủng hộ, bạn Đỗ Trang (Nam Định) chia sẻ từ góc nhìn một người con gái: Ba mẹ mình sinh được 2 con gái, mình là chị sống ở Hà Nội, còn em gái lấy chồng sống ở Sapa (Lào Cai). Phận gái về nhà chồng, nên giờ cha mẹ ốm đau cũng chỉ có thể chạy về chốc lát mà không thể ở bên được. Trước đây ông bà còn có thể chăm nhau, nhưng sau khi bố mình bị tai biến, mẹ lại bị thấp khớp hoành hành thì việc thuê người chăm sóc là gần như bắt buộc. Thế nhưng gia đình có thêm người lạ khiến ông bà không thoải mái, hơn nữa việc chăm sóc người bệnh cũng không đơn giản chỉ là ăn uống, vệ sinh mà còn phải biết chăm sóc y tế.

“Do vậy, hai chị em mình sau khi bàn bạc với các chàng rể đã vận động bố mẹ vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Thật may mắn ba mẹ mình vốn là các công chức nên tư tưởng cũng hiện đại và thông cảm cho các con nên đồng ý luôn và còn thẳng thắn dặn không cần chu cấp, bởi bố mẹ có lương hưu đủ rồi. Đọc câu chuyện của anh Tuấn, chúng tôi có sự đồng cảm bởi những ai ở trong hoàn cảnh tương tự sẽ thấu hiểu. Vẫn biết, tự tay chăm sóc mới là báo hiếu nếu có điều kiện, không gì bằng con cái vẫn là điều không cần bàn cãi. Nhưng nếu không thể thì viện dưỡng lão - nơi các cụ được chăm sóc chu đáo, kiểm tra y tế chu đáo sẽ là lựa chọn đáng để cân nhắc”, chị Đỗ Trang nói.

Chung suy nghĩ với chị Trang và chị Duyên, nhiều bạn trẻ cũng tán thành cho rằng: Nếu các con không đủ điều kiện chăm sóc thì nên đưa người già vào viện, tránh để quan niệm cũ ràng buộc kiểu “cứ tự tay chăm sóc mới là có hiếu”. Cân nhắc lựa chọn chăm sóc nào tốt hơn, có ích hơn cho bố mẹ mới là có hiếu. “Bố mẹ là bố mẹ mình, sống cả đời vì mình nên mình báo hiếu sao cho vẹn toàn và được bố mẹ ủng hộ là được, không cần sống bằng miệng lưỡi thiên hạ”, anh Đỗ Duy Nam (42 tuổi, Long Biên, Hà Nội) kết luận.

Lê Giáp Việt Hoàng, Nguyễn Thị Khánh Hòa, Vũ Thị Lụa, Nguyễn Thanh Hà