Theo GS, TS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân, mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững, đó là phát triển con người, tăng trưởng kinh tế cũng là để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về vật chất và tinh thần của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng. Hiểu theo nghĩa này, phát triển văn hóa chính là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là một trụ cột của phát triển bền vững.

Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và tạo ra những động lực mới đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc tách biệt một cách rạch ròi hai chiều tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là điều không khả thi. Tuy nhiên, nhận diện những kênh tác động chính từ tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa và ngược lại để từ đó có những đề xuất chính sách cụ thể hơn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ nói trên lại là cần thiết.

{keywords}
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Háng Phúng Lìu, Khâu Vai được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bối cảnh mới của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở Việt Nam GS, TS. Ngô Thắng Lợi phân tích, nền kinh tế nước ta đang đứng trước những tác động rất lớn của bối cảnh quốc tế. Xét về tác động đến văn hóa, có thể thấy toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 sẽ có ảnh hưởng rõ nét nhất.

Thứ nhất là toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đến lượt mình, những cơ hội và thách thức này lại tạo ra những tác động hai chiều (tích cực và tiêu cực) đến phát triển văn hóa ở nước ta.

Về mặt tích cực, toàn cầu hóa có thể giúp các quốc gia đạt mục tiêu phát triển văn hóa nhanh hơn. Các quốc gia tham gia sớm và sâu vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sẽ có nhiều cơ hội tranh thủ được nguồn vốn, khoa học - công nghệ, thị trường, hệ thống phân công lao động quốc tế… từ các quốc gia khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất trong nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, các quốc gia sẽ nhanh chóng tạo dựng và tích lũy được một cơ sở vật chất lớn mạnh hơn để đầu tư vào các mục tiêu phát triển văn hóa.

Ngoài ra, toàn cầu hóa và xu thế hội nhập mạnh mẽ sẽ mở ra nhiều cơ hội giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Văn hóa và di sản của Việt Nam sẽ được giới thiệu đến với đông đảo bạn bè quốc tế hơn và ngược lại, Việt Nam cũng có thể tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa thế giới một cách nhanh chóng và có chọn lọc hơn.

Chính nhờ sự so sánh, học hỏi từ các nền kinh tế tiên tiến mà chúng ta có thể hoàn thiện được văn hóa của mình, bảo đảm hội nhập thành công về văn hóa với thế giới nhưng cũng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Về mặt tiêu cực, toàn cầu hóa có thể kéo theo sự phân phối cơ hội và lợi ích kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia, trong đó các nền kinh tế có tiềm lực nhỏ bé như Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều bất lợi. Điều này có thể khiến những quốc gia tiếp nhận nhiều nguồn lực từ bên ngoài trở nên phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế, và từ đó kéo theo sự lệ thuộc về chính trị và văn hóa.

Trong bối cảnh thể chế kém phát triển, các “hàng rào” ngăn chặn tác động tiêu cực về văn hóa chưa đầy đủ và kém hiệu lực, toàn cầu hóa sẽ dẫn đến nguy cơ du nhập ồ ạt văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng và các tư tưởng phản động, đi ngược lại các giá trị chân thiện mỹ đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hệ lụy của việc mất đi bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, đến lượt nó, sẽ gây bất ổn chính trị xã hội và trở thành yếu tố phản phát triển.

Thứ hai là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi triệt để cách sống, làm việc và quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội loài người, có nghĩa là sẽ làm thay đổi trực tiếp đến văn hóa. Trong bối cảnh này, tính đổi mới sáng tạo từ con người và ứng dụng tính đổi mới sáng tạo đó vào đời sống sẽ được đề cao. Vì thế, về mặt tích cực, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng được một hệ thống đổi mới sáng tạo để chuyển đổi nền công nghiệp hiện hành lên một vị thế cao hơn, giá trị hơn, cùng với đó là hình thành một nền văn hóa năng động, sáng tạo và năng suất cao hơn.

Mặt khác, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn tạo ra những cái mới, sản phẩm mới, hấp dẫn, lôi cuốn và rất dễ dẫn đến tình trạng “sùng ngoại” không chỉ ở phương diện văn minh, mà còn ở lĩnh vực văn hóa, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử... Nhiều thói quen trong nhận thức rất dễ bị thay đổi. Những chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức được tôn thờ qua nhiều thế hệ cũng có những nguy cơ bị mai một. Con người trong cộng đồng, xã hội dần mất đi nét đẹp trong giao tiếp của “tình làng, nghĩa xóm”, thay vào đó là quan hệ công việc đơn thuần. Sự giao tiếp rộng, nhưng hạn chế chiều sâu, tầm cao tạo ra những quan hệ “ảo”.

Từ những phân tích đó, GS, TS. Ngô Thắng Lợi nêu vấn đề, quá trình tận dụng cơ hội, tiếp nhận thành tựu văn minh, tinh hoa của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để làm giàu tri thức và tiến lên phía trước là tất yếu, cần thiết, nhưng làm thế nào để giữ vững cốt cách, tâm hồn, phẩm giá, khí phách con người Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa dân tộc sẽ là một bài toán hóc búa.

Hồ Lợi (lược ghi)