Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vải thiều năm nay được mùa. Dự kiến, tổng sản lượng vải đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, trà vải sớm ước đạt 90 nghìn tấn, vải chính vụ đạt 250 nghìn tấn.
Cụ thể, diện tích vải năm 2021 tại tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, tăng khoảng 15.000 tấn. Diện tích vải thiều ở Hải Dương là 9.168 ha, sản lượng vải quả vụ này dự kiến đạt 55.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Lân ở thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết, ông đã trồng vải thiều hơn 20 năm nay, song đây là năm được mùa lớn nhất. Với 2ha vải thiều của gia đình, sản lượng vụ này đạt khoảng 45-50 tấn.
“Năm ngoái dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vải thiều vẫn bán được giá cao. Đặc biệt, vải thiều nhà tôi còn được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Nhật. Thế nên, vụ vải 2020, tôi thu lời gần 1 tỷ đồng”, ông nói.
Vải thiều năm nay được mùa lớn, sản lượng tăng mạnh (ảnh: A.T) |
Theo ông Lân, vải thiều năm nay trúng mùa, chất lượng quả vải đều, đẹp. Như vải u hồng còn khoảng 10 ngày nữa sẽ được thu hái, vải chính vụ khoảng một tháng nữa sẽ chín rộ. Ông tính toán, nếu vải thiều vẫn giữ được mức giá như năm ngoái thì vụ này ông lãi hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh phức tạp, chưa thấy doanh nghiệp tới vườn đăng ký mua hàng.
Ông Vũ Việt Anh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, cho biết, năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 nhưng tỉnh này có một vụ vải thắng lợi. Sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 43.000 tấn, doanh thu đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019.
Năm nay vải thiều được mùa. Hiện trà vải sớm đã chín, nhà vườn đã bắt đầu hái bán. Vải u trứng có giá 40.000-60.000 đồng/kg, vải lai giá 40.000-50.000 đồng/kg. Theo ông, vải thiều trà sớm hiện có giá bán cao hơn cả giá vải thiều trà sớm năm 2020.
Dịp này dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiêu thụ vải thiều dự kiến sẽ khó khăn hơn. Song ngoài kênh tiêu thụ truyền thống là bán ra chợ, siêu thị, năm nay bà con nông dân còn được tập huấn để bán vải thiều trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tỉnh Hải Dương đã làm việc với một số sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso, Alibaba, Ladaza, VN Post,... để lên kế hoạch đưa vải và nông sản của tỉnh lên sàn và bán ngay từ đầu vụ vải năm 2021. Một số tập đoàn bán lẻ cũng đã đặt hàng gần 5.000 tấn để bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp đang khảo sát chuẩn bị thu mua vải thiều xuất khẩu (ảnh: BH) |
Toàn quyền giám sát, xuất khẩu sang Nhật sẽ tăng mạnh
Về xuất khẩu, thông tin từ Sở NN-PTNT Hải Dương, diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu khoảng 10.000ha. Trong đó, 45 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản; 9 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan; 77 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc.
Tương tự, tại Bắc Giang tổng diện tích mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 219,45 ha, với 30 mã số vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU,... có 18 mã số vùng trồng, sản lượng 1.850 tấn.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, vải thiều Việt Nam liên tiếp nhận được tin vui từ Nhật Bản.
Cụ thể, tháng 3 vừa qua, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.
Mới đây, Nhật Bản đã uỷ quyền cho Cục Bảo vệ thực vật giám sát toàn bộ các lô vải thiều xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định đã đàm phán của hai bên. Thay vì chuyên gia Nhật trực tiếp sang Việt Nam giám sát, năm nay, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử các chuyên gia lên về tận vùng vải giám sát, cấp giấy chứng nhận, niêm phong tại chỗ các lô hàng để chuyển ra sân bay xuất đi Nhật.
Năm nay Nhật Bản uỷ quyền cho Việt Nam giám sát, dự kiến xuất khẩu vải thiều sang thị trường này tăng mạnh (ảnh: BH) |
“Việc này mình toàn quyền chủ động. Thế nên, bất kể ngày đêm, bất kể thứ 7 và Chủ nhật đều có thể làm việc để các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật", ông Trung khẳng định.
Năm ngoái, vải thiều Bắc Giang lần đầu được bày bán trên kệ siêu thị Nhật với giá cao ngất lưởng, lên tới 500.000 đồng/kg. Năm nay, các địa phương dự kiến lượng vải thiều xuất sang Nhật sẽ tăng mạnh.
Hiện tại, một số công ty xuất khẩu đã về Hải Dương đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải xuất đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, EU, Thái Lan... Các đầu mối cũng lên kế hoạch gom mua trên 40.000 tấn vải để xuất sang Trung Quốc và các chợ đầu mối trên toàn quốc.
Còn tại Bắc Giang, các doanh nghiệp cũng đang tiến hành khảo sát vùng trồng để chuẩn bị mua hàng xuất khẩu sang Nhật Bản và các thị trường khác. Tỉnh đã chấp thuận cho 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu làm việc với ban ngành tạo luồng riêng để xuất khẩu vải thiều. Đồng thời, yêu cầu các Chi cục kiểm dịch ở đường biên chủ động phối hợp với cơ quan kiểm dịch phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, với cách làm như hiện nay của cơ quan chức năng và địa phương, vải thiều năm nay sẽ rộng đường xuất khẩu.
T.An