Từ nguồn vốn Chương trình 135, Sóc Trăng được hỗ trợ hơn 158 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 136 km đường giao thông nông thôn, 6 công trình thủy lợi, 18 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình giáo dục và còn một số công trình đang triển khai thực hiện.
Hiện nay, ở các xã ở Sóc Trăng đều có đường giao thông nông thôn nối liền ấp, liền xã giúp người dân đi lại dễ dàng, lưới điện quốc gia đã vào đến từng nhà, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, trường học, trạm y tế xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, mhiều xã có đông đồng bào Khmer ven biển ở Sóc Trăng phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm đáng kể.
Bà con Khmer ở làng nghề cốm dẹp Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) rang lúa nếp làm cốm dẹp. |
Được sự tiếp sức từ địa phương, nhiều người dân Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó thoát nghèo và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Tại các phum sóc, đồng bào xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm…
Hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình. Nhiều hộ còn tích cực hiến đất, góp ngày công cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh.
Theo ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Sóc Trăng: trong những năm qua, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ người nghèo ở Sóc Trăng, đặc biệt người nghèo thuộc dân tộc thiểu số, tiếp tục được đầu tư có hiệu quả.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về giảm nghèo hàng năm, giai đoạn; lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố, các chương trình, dự án có liên quan, nhất là các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Để việc triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia Xóa đói giảm nghèo đạt kết quả thực chất, bền vững, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đưa ra một giải pháp để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Theo đó, sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em thuộc con hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc nói riêng có điều kiện học tập thuận lợi. Ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các ấp, xã nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ y tế.
Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Chính phủ và các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Phát huy, nhân rộng mô hình nhóm tiết kiệm để người dân, nhất là người nghèo tiếp cận được đồng vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình. Sóc Trăng sẽ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer.
Cùng với đó, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường, hướng đến phát triển sản xuất và dịch vụ, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo. Đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong công tác giảm nghèo; lồng ghép chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Ngọc Trang