Những năm gần đây, Đồng bằng Sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thúc, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Những điều này đã gây khó khăn cho việc điều hòa, phân phối nguồn nước, ảnh hưởng đến việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, là nguyên nhân xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng,…

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn và các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 đang được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh còn ảnh hưởng của các yếu tố khó nắm bắt đến từ thượng nguồn sông Mê Kông.

ho-tri-an-dong-nai-hoang-anh-1.png
Trà Vinh thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. 

Tại Trà Vinh, do chịu sự tác động của triều cường từ Biển Đông và thiếu hụt nguồn nước từ dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông đổ về nên tỉnh này thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tỉnh triển khai các giải pháp có hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo đó, địa phương tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trữ nước để phục vụ sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả cũng được tập trung tăng cường. Những hoạt động này giúp người dân tích cực, chủ động hơn trong việc ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô góp phần giảm đáng kể thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.