Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai vừa diễn ra đặt mục tiêu giai đoạn 2024-2029 phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số bằng 60% bình quân chung cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 8% (theo tiêu chí mới); 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên địa bàn huyện không còn xã đặc biệt khó khăn...
Huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) hiện có 2.156 hộ nghèo (chiếm 12,06%), hộ cận nghèo là 1.395 hộ (chiếm 7,8%). Đây là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, hơn 70% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, dân cư phân bố không tập trung.
Đến nay, toàn huyện có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. 100% xóm, tổ dân phố có điện lưới quốc gia; 100% đường đến trung tâm các xã, thị trấn được cứng hóa.
Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 97%; 97% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là người dân tộc thiểu số đã giảm xuống còn 14,95%.
Cùng với việc quan tâm tạo sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân, huyện Võ Nhai cũng quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo.
Tính riêng trong năm 2023, bên cạnh nguồn lực từ chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huyện Võ Nhai đã dành trên 121 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống bà con.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Võ Nhai đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Đây là hoạt động nhằm giúp người dân không chỉ nâng cao thu nhập mà còn khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo từ chính sức lao động.
Tại xã Tràng Xá, 20 gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, được Nhà nước hỗ trợ mua trâu sinh sản. Gia đình ông Nguyễn Văn Tư (50 tuổi) ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá là một trong số đó. Năm 2024, gia đình ông đang nuôi con trâu sinh sản khoẻ mạnh, đây là sinh kế được chính quyền hỗ trợ vào cuối năm 2023. Ông còn được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cuộc sống từng bước cải thiện.
Một gia đình khác là bà Nguyễn Thị Thuý, dân tộc Nùng, thuộc diện hộ nghèo. Bao năm trời, bà cứ loay hoay với bài toán thoát nghèo nhưng rất khó khăn vì không có vốn. Thu nhập chính của gia đình bà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền đi làm thuê ít ỏi.
Cuối năm 2023, sau khi rà soát, bình bầu từ cơ sở, gia đình bà Thuý được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản. Tận dụng lợi thế vườn rộng, gia đình bà trồng thêm mía, cỏ voi để làm thức ăn cho vật nuôi. Con trâu sau thời gian được chăm sóc kỹ càng, đúng kỹ thuật, đã phát triển khỏe mạnh, sắp sinh con. Bà Thuý rất trông chờ vào sinh kế này, bởi đây sẽ là cánh cửa giúp bà gỡ khó nhiều mặt trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2024.
Xã Tràng Xá nơi gia đình bà Thuý hay ông Tư sinh sống vẫn còn 200 hộ nghèo. Xã có trên 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Theo lãnh đạo xã này, phương châm giảm nghèo ở đây là “Trao cần câu, không cho con cá”.
Việc hỗ trợ trâu giống đã tạo “điểm tựa” giúp các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vượt khó để vươn lên. Xã Tràng Xá chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.
Sau khi mua trâu về nuôi, các hộ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và dành quỹ đất để trồng cỏ, làm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện nay, trâu của các hộ đang phát triển tốt. Mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Tràng Xá được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giúp các hộ dân thoát nghèo.