Lời hứa dành tặng cha
Xuất hiện trong tập 227 của chương trình Gõ cửa thăm nhà, chị Phạm Thị Kim Hằng (TPHCM) kể lại hành trình sáng lập chuỗi cửa hàng tạp hóa xanh, tạo việc làm cho người yếu thế.
Có cha bị mù, chị Hằng thấu hiểu được sự mặc cảm và khát khao chứng minh bản thân của người yếu thế. Từ nhỏ, chị đã quyết tâm thay đổi cách nhìn của mọi người về cha.
Cha chị Hằng không phải bị mù bẩm sinh. Sau khi lập gia đình, thị lực của ông bắt đầu giảm dần rồi mù hẳn. Dù mắt không nhìn rõ nhưng ông có thể làm được tất cả việc nhà. Vợ ông làm trụ cột kinh tế, còn ông dạy dỗ con cái.
Chị kể: “Vì mẹ tôi đi làm từ 4h sáng nên công việc trong nhà đều do cha chịu trách nhiệm. Lúc tôi còn nhỏ, cha dắt tay, đưa đi học. Cha dạy tôi từng con chữ, bài toán.
Cha tôi có trí nhớ tốt, viết bảng đẹp như thầy cô. Đồ đạc trong nhà, kể cả thiết bị điện bị hỏng đều do chính cha sửa chữa”.
Chị Hằng rất thần tượng cha. Nhưng khi học cấp 2, việc thường xuyên bị bạn bè trêu chọc có người cha mù khiến chị tự ti. Có lần, chị đứng trước cổng trường chơi cùng bạn bè thì thấy cha cầm gậy đi trên đường. Thay vì chạy ra giúp cha, chị trốn tránh, không để bạn bè biết mình có người cha mù.
“Lúc trở về, tôi tự hỏi tại sao ngày trước tự hào về cha, còn bây giờ lại mặc cảm. Phải chăng tất cả đến từ nỗi sợ bị bạn bè trêu chọc? Lý do gì khiến bạn bè tôi cợt nhã với người khiếm thị?
Tôi nhận ra nhiều người nghĩ rằng, người khiếm thị không thể chăm sóc và làm việc nuôi sống bản thân. Vì vậy, tôi muốn tìm cách thay đổi góc nhìn của mọi người. Điều đó trở thành ước mơ, lời hứa thầm kín mà tôi quyết tâm thực hiện dành tặng cha”, chị Hằng chia sẻ.
Bỏ việc nhàn hạ, tìm đến khó khăn
Đầu năm lớp 10, chị Hằng sốc khi cha đột ngột qua đời. Mất cha, chị không còn người kề cận bảo ban. Buồn chán, chị như con thiêu thân, kết giao với bạn bè xấu. Và rồi, nhiều biến cố khủng khiếp ập đến buộc chị phải bảo lưu kết quả học tập.
Mấy tháng trời, chị nhốt mình trong nhà, tuyệt giao với bạn bè. Đến khi suy nghĩ thông suốt, chị xin đi học trở lại. Lúc này, chị gặp được cô giáo chủ nhiệm tốt bụng. Chính cô đã truyền cảm hứng, giúp chị nhận ra ý nghĩa của việc cho đi.
Tìm thấy niềm vui, chị Hằng có thêm động lực học tập. Chị thi đậu và theo học ngành hàng không. Năm cuối, chị thực tập làm tiếp viên cho một hãng hàng không lớn. Kết quả thực tập xuất sắc, chị được hãng giữ lại làm nhân viên chính thức.
“Biết tin, mẹ vui mừng khôn xiết, còn tôi vô cùng trăn trở. Tôi vẫn khắc ghi và mong muốn thực hiện ước mơ ngày bé. Cuối cùng, tôi không làm tiếp viên hàng không mà chọn khởi nghiệp với các sản phẩm thân thiện môi trường”, chị Hằng kể.
Dự án khởi nghiệp của chị Hằng là chuỗi cửa hàng xanh chuyên bán các sản phẩm do người yếu thế làm. Người khiếm thị sẽ vận hành cửa hàng, thực hiện các công việc bán hàng, quảng bá sản phẩm,…
Lúc mới thành lập, công ty chỉ có một mình chị Hằng làm việc. Chị biến phòng khách thành nhà kho, phòng ngủ làm văn phòng. Chị làm việc quên ăn quên ngủ.
Những ngày đầu, cửa hàng không có khách, chị Hằng đưa sản phẩm ra hội chợ. Chị tìm đủ cách thu hút nhưng khách chỉ vào tham quan, không mua. Bất lực, chị đứng khóc giữa đường, mặc kệ mưa tầm tã. Dù vậy, chị không bỏ cuộc.
Hiện tại, công ty của chị Hằng đã vận hành được 5 năm. Chuỗi cửa hàng xanh của công ty có mặt ở 3 miền đất nước, tạo việc làm cho nhiều người yếu thế.
Ảnh: Gõ cửa thăm nhà