Trong số hơn 10.000 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên trên cả nước, có quá nửa nằm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Khó khăn khi “lên sàn”
Sở hữu nhiều sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố, cấp tỉnh, bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống, Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam đã tiếp cận các kênh online như website, sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Đồng sáng lập Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam phản ánh, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn: “Khó đánh giá sự uy tín của sàn thương mại điện tử. Quy trình kiểm soát sản phẩm chưa rõ, hàng thật hàng giả lẫn lộn trên các sàn thương mại điện tử, nên khó lựa chọn đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó, sự thay đổi thuật toán của các nền tảng cũng làm cho chúng tôi khá vất vả trong quá trình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, trong khi nhân sự phụ trách kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chưa được đào tạo một cách bài bản. Nhân sự cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và khởi nghiệp như chúng tôi, hơn nữa là doanh nghiệp ở khu vực tỉnh lẻ”.
Đại diện Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam rất mong được chỉ dẫn về cách thức thu hút khách hàng, marketing và bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử; cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xây dựng trải nghiệm khách hàng tốt nhất trên sàn thương mại điện tử…
“Doanh nghiệp nên chuẩn bị những nguồn lực nào để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tốt nhất” vẫn đang là câu hỏi lớn đối với bà Thảo.
“Làn sóng mới” trong sản xuất kinh doanh
Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam không phải trường hợp hiếm tìm đến kênh thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2003” vừa diễn ra ngày 15/9 tại Hà Nội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thông qua thương mại điện tử.
Hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.
Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến “làn sóng mới” trong sản xuất kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, quan tâm tiêu thụ nông sản, đặc sản ở vùng sâu, vùng xa, trong đó có hoạt động quảng bá trên sàn thương mại điện tử.
“Một loạt biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết để hỗ trợ tư vấn mở các gian hàng Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Taobao, Postmart, Lazada… Nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn được triển khai giúp các chủ thể, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể tự xây dựng các video clip giới thiệu về sản phẩm của mình, nhấn mạnh bản sắc văn hóa của vùng mình đang sống để tạo ấn tượng khi tiếp cận công chúng”, ông Dự nói.
Nhấn mạnh rằng nhiều chủ thể sản phẩm đã thành công khi lên sàn thương mại điện tử, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu dẫn chứng: “Chè Phìn Hồ - Hà Giang là một ví dụ. Phìn Hồ là vùng sâu, vùng xa, hơn 90% dân cư là đồng bào người Dao. Qua sàn thương mại điện tử, hiện sản phẩm chè Phìn Hồ rất nổi tiếng ở Anh, các quốc gia châu Âu. Kinh nghiệm Bắc Giang về vải thiều là ví dụ khác cho thấy thương mại điện tử đã, đang và sẽ chắc chắn đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản trong bối cảnh ở vùng sâu, vùng xa điều kiện phương tiện đi lại còn khó khăn”.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử
Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến 2025) đã được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg. Phạm vi áp dụng Chương trình gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố, đều là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.
Nhiều hoạt động sẽ được triển khai nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo, tạo động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng của các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cũng đang triển khai sàn giao dịch điện tử, giúp nông dân kết nối khách hàng trong nước và quốc tế, tư vấn hợp đồng để giúp hoạt động ứng dụng thương mại điện tử phát triển tốt hơn.
Tích cực chung tay hỗ trợ nông dân, hợp tác xã “lên sàn”, 3 năm qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ, đào tạo kỹ năng kinh doanh số cho khoảng 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Hiện đã có 52.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.
“Thời gian tới, sàn Postmart sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, OCOP vùng sâu vùng xa; triển khai các chương trình marketing quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên sàn. Và đặc biệt là phối hợp với nhiều tổ chức khác đào tạo kỹ năng livestream, kỹ năng kinh doanh số, giúp bà con nhận thức rõ hơn về vai trò của các sàn thương mại điện tử”, bà Tô Thị Ngọc Hoa, đại diện Vietnam Post chia sẻ.