Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khi đề cập đến vấn đề gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU).
Theo Thứ trưởng Tiến, sau 3 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu sang thị trường EU bị tác động rõ rệt, giảm liên tục qua các năm.
Cụ thể, năm 2018 giảm 6% so với năm 2017; năm 2019 giảm 15% so với năm 2018; 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo cả năm 2020, giá trị xuất khẩu hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017.
Sau khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng”, EU từ vị trí thứ hai trong “top” thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thị trường thứ năm kể từ năm 2018, đứng sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN. Đặc biệt, việc bị EC cảnh báo “thẻ vàng” đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên trường quốc tế.
“Trong năm 2020, Việt Nam đã có 2 cuộc họp trực tuyến với EC vào ngày 30/6 và ngày 22/10 để trao đổi, cập nhật các kết quả triển khai, giải trình các nội dung về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC”, Thứ trưởng Tiến thông tin.
Thứ trưởng Tiến yêu cầu các doanh nghiệp không được dung túng, tiếp tay cho hoạt động khai thác IUU |
Ông cho hay, qua 2 cuộc họp trực tuyến, phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước và đang đi đúng hướng. Phía EC ghi nhận nỗ lực trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể như, kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (>82%), đánh dấu tàu cá (>90%) đã có sự tiến bộ rõ rệt so với kết quả của lần kiểm tra trước; hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương.
Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể. Công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng đã có nhiều tiến bộ. Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương…
Song, theo ông Tiến, vẫn còn những bất cập chúng ta cần phải khắc phục mới có thể gỡ được “thẻ vàng”. Cụ thể:
Thứ nhất, công tác theo dõi, quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi hoạt động trên biển tuy nhiên công tác xử lý còn hạn chế. Việc kiểm soát tàu cá ra vào chưa đảm bảo độ tin cậy tại một số địa phương.
Thứ hai, việc thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng, kiểm soát nguyên liệu hải sản từ khai thác NK từ tàu nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu do thiếu nguồn lực và bộ máy để triển khai thực hiện các quy định liên quan.
Thứ ba, công tác xử phạt các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế so với tổng số vụ việc vi phạm bị bắt giữ, xử lý.
Thứ tư, tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 69 vụ/113 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang.
Phía EC đề nghị Việt Nam cần phải tập trung nguồn lực (con người, kinh phí), đầu tư hạ tầng, chỉ đạo quyết liệt triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan chống khai thác IUU; khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế phía EC đã chỉ ra (hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển và tại cảng, xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU…). Họ khẳng định không gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam nếu không chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Còn về doanh nghiệp hải sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, thời gian qua chúng ta đã rất cố gắng, tuy nhiên, để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và hướng tới phát triển nghề cá bền vững thì còn nhiều việc cần làm.
Theo đó, ông Tiến đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp hải sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU, không vì lợi ích doanh nghiệp mình mà dung túng, tiếp tay cho hoạt động khai thác IUU.
Các doanh nghiệp cần tập trung phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng đầy đủ các quy định của EC về chống khai thác IUU như kiểm soát tàu cá (kể cả tàu cá ra, vào, hoạt động trên cảng và tàu cá hoạt động trên biển), kiểm soát nguyên liệu hải sản; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Cục Thú y và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU; tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc bảo đảm kiểm tra được tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu hải sản nhập khẩu, tạm nhập tái xuất…
Hải Băng