Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam làm việc về gỡ “thẻ vàng” IUU từ ngày 10-18/10/2023. Do đó, những ngày này các địa phương đang nỗ lực cao để triển khai các khuyến nghị EC đã đưa ra trong kỳ thanh tra trước đó.

W-anhminhhoa-1.png

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu.

Ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển, cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục 9 khuyến nghị của EC:

Khuyến nghị 1: Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản.

Khuyến nghị 2: Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả pháp luật quốc gia sửa đổi.

Khuyến nghị 3: Tăng cường thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi.

Khuyến nghị 4: Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác.

Khuyến nghị 5: Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác.

Khuyến nghị 6: Cân bằng năng lực khai thác và chính sách phát triển tàu cá.

Khuyến nghị 7: Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ.

Khuyến nghị 8: Tăng cường và cải tiến hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế.

Khuyến nghị 9: Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ thu thập và báo cáo số liệu cho tổ chức RFMOS (Các tổ chức Quản lý nghề cá khu vực).

Quy định chống khai thác IUU nhằm đảm bảo chỉ các sản phẩm hải sản được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc nước xuất khẩu chứng thực là hợp pháp mới được nhập khẩu vào hay xuất khẩu từ EU. Danh sách các tàu khai thác IUU sẽ được cập nhật thường xuyên, các tàu IUU này được xác định bởi Các tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMOS). Quy định IUU cũng đưa ra khả năng các nước trong danh sách đen có thể làm ngơ trước các hoạt động khai thác bất hợp pháp. Các công dân EU hoạt động khai thác hải sản trái phép tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới bất kỳ lá cờ nào, đều phải đối mặt với các hình phạt đáng kể tương ứng với giá trị kinh tế của các sản phẩm đánh bắt của họ, làm mất đi lợi nhuận của họ.

Xuân Ngọc và nhóm PV, BTV