Vùng biển Tây Nam Bộ là điểm nóng vi phạm

Mới đây, khi bàn về công tác chống khai thác IUU, Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh đã rất nỗ lực để ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU, đồng thời quyết liệt trong xử phạt hành chính nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.

Thống kê từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 65 vụ, tịch thu 55 tàu cá vi phạm; với tổng số tiền xử phạt hơn 55 tỷ đồng.

Theo ông Lê Quốc Anh, tình trạng tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn cao; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tàu cá tại cảng còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng tàu cá lên hàng sai cảng chỉ định; việc ghi chép nhật ký khai thác không đúng quy định gây khó khăn trong truy xuất nguồn gốc thủy sản...

Tại Bến Tre, từ đầu năm đến nay phát hiện 1.533 lượt tàu mất tín hiệu kết nối trên biển. Tất cả chủ tàu đều được mời làm việc, nhắc nhở 74 tàu do chủ tàu tự khắc phục tín hiệu hoặc đưa tàu về bờ trước 10 ngày. Cơ quan chức năng tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính 10 tàu với số tiền xử phạt 342,5 triệu đồng, các tàu còn lại đang tiếp tục xác minh, xử lý.

W-cang-ca-1.jpg

Hiện, tỉnh Bến Tre chưa có tàu khai thác vi phạm bị nước ngoài bắt giữ xử lý, song có 2 tàu khai thác vượt ranh bị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ, bàn giao, tỉnh đã xử lý phạt tiền 816 triệu đồng, bắt buộc nộp Ngân sách Nhà nước số tiền 537,45 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, tổng lượng tàu cá của nước ta đang hoạt động khai thác trên biển là 86.820 tàu, phân bổ nhiều tỉnh thành có biển. Trong đó, khu vực ĐBSCL có số lượng tàu cá khoảng 20.000 chiếc. Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước với hơn 9.500 tàu.

Vùng biển Tây Nam Bộ đang là ngư trường có hoạt động nghề cá sôi động nhất, nhưng cũng là khu vực xảy ra nhiều vi phạm IUU khiến chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, xử phạt… và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Tại các công điện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ NN-PTNT nhiều lần nhắc đến các điểm nóng có số lượng tàu cá vi phạm lớn như: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa. Trong đó, phần lớn các tỉnh bị nêu tên thuộc các ngư trường đánh bắt hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ.

Vào điểm nóng gỡ thẻ vàng IUU

Để gỡ thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu, những ngày này Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên vùng biển Tây Nam Bộ - điểm nóng của các vi phạm IUU.

Ở vùng biển này, tàu cá luôn di chuyển. Ngư dân chạy theo luồng cá, đi tìm luồng cá từ ngư trường này tới ngư trường khác. Nhiệm vụ của tàu kiểm ngư là lang thang hết các ngư trường để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các vi phạm, nhắc nhở để tàu cá không mải mê chạy theo luồng cá mà vượt sang vùng biển của nước khác.

Vùng biển này Kiểm ngư đã thuộc nằm lòng từng khu vực, từng vị trí. Tàu cá được đánh bắt ở khu vực nào, dụng cụ khai thác bằng gì, có nguy cơ vi phạm hay không…, nhìn từ xa mình có thể nhận định được, anh Trần Nam Chung thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 chia sẻ.

Khi phát hiện vi phạm, tàu Kiểm ngư sẽ neo đậu ở khoảng cách an toàn, cử một đội 3-4 thành viên chạy bằng cano để tiếp cận tàu cá. Công việc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo xử lý với tàu chỉ huy được thực hiện qua bộ đàm. 

Theo anh Chung, vi phạm IUU thường xảy ra ở các vùng chồng lấn, vùng biển giáp ranh. Do đó, ngoài nhiệm vụ kiểm tra các loại các giấy tờ, kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu cá, xử lý vi phạm nếu có… thì nhiệm vụ quan trọng của lượng lượng kiểm ngư là tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định, không vi phạm khai thác IUU.

Nhiều lỗi thuộc về ý thức, Kiểm ngư thường nhắc nhở, tuyên truyền để ngư dân hiểu không vị phạm. Nhưng có những lỗi phải xử nghiêm, làm quyết liệt. Như vật luật mới đi vào cuộc sống, ngư dân mới không tái phạm.

Thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Cà Mau, Kiên Giang phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5; Hải đoàn Biên phòng 28 và Kiểm ngư Vùng 5 thực hiện tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU trên vùng biển Cà Mau, Kiên Giang, đặc biệt, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Cà Mau - Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển, đảo của 2 tỉnh; vận động chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài; mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ kể từ khi rời cảng đến khi cập cảng.

Vũ Điệp và nhóm PV, BTV