Google và Apple, hai công ty được xem là đối thủ của nhau, vừa chính thức cùng tung ra công nghệ Thông báo Lây nhiễm (Esposure Notification), giúp các máy Android và iOS kết nối suôn sẻ với nhau trong nỗ lực phòng tránh Covid-19 của các chính phủ.
Hai công ty sẽ cung cấp API cho các tổ chức y tế chính thức của các quốc gia, nhằm giúp họ xây dựng mới hay cập nhật công nghệ này vào phần mềm theo dõi lây lan dịch bệnh có sẵn.
Google và Apple lần đầu bắt tay nhau trong công cuộc phòng chống Covid-19 toàn cầu. Ảnh: The Guardian |
Những người có cài đặt ứng dụng sử dụng công nghệ Thông báo Lây nhiễm này sẽ nhận được thông báo nếu họ tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, tất nhiên bệnh nhân Covid-19 này cũng phải cài đặt ứng dụng và khai báo nhiễm bệnh.
Công cụ này sử dụng kết nối Bluetooth để các điện thoại kết nối với nhau. Do cùng được phát triển bởi Google và Apple nên nó được cho là sẽ giúp các điện thoại Android và iOS giao tiếp với nhau dễ dàng hơn.
Trong sự kiện được hai công ty đồng tổ chức trực tuyến hôm nay 21/5, người đại diện của hai công ty cho biết trong giai đoạn Covid-19 diễn ra, họ thường xuyên nhận được các yêu cầu hỗ trợ do có sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình các công ty, tổ chức xây dựng ứng dụng theo dõi dịch bệnh.
Cụ thể, lỗi kỹ thuật thường xảy ra nhất là hai điện thoại dùng Android và iOS không kết nối với nhau suôn sẻ. Thứ hai, việc kết nối thường xuyên giữa các điện thoại có thể gây hao pin điện thoại. Ngoài ra, việc mỗi quốc gia xây dựng một ứng dụng khác nhau khiến các ứng dụng này không giao tiếp được với nhau, nên người dùng quốc gia này sẽ không nhận biết được có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh ở quốc gia khác hay không, trong trường hợp họ đi du lịch hay công tác nước ngoài.
Thêm vào đó, vị đại diện cho rằng một ứng dụng càng có nhiều người dùng thì độ chính xác và dữ liệu phòng dịch sẽ tăng lên.
Cả Google và Apple đều cho rằng cú bắt tay giữa họ sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên. API này là kết quả làm việc của đội ngũ kỹ sư của cả hai công ty, do đó đảm bảo tính tương thích hệ thống nội bộ lẫn tương thích chéo giữa hai nền tảng smartphone lớn nhất hiện tại.
Hai công ty cho biết thông tin của người dùng sẽ được mã hoá, để người dùng khác hay cả Google và Apple đều không nắm được.
Dù vậy, họ cũng khẳng định API này là một công cụ bổ sung vào ứng dụng hiện tại do các quốc gia phát triển, không phải một công cụ để thay thế các ứng dụng hiện tại. Do đó, có thể hiểu rằng mỗi tổ chức y tế của từng quốc gia có thể tự xây dựng các tính năng, giao diện cho riêng mình.
Hiện tại, theo Google và Apple, có 22 quốc gia đang yêu cầu sử dụng bộ API nói trên, và có thể tăng lên trong thời gian tới. Bộ API hiện chỉ được cung cấp cho tổ chức y tế của các chính phủ, chưa cung cấp rộng rãi cho đối tượng khác.
Hải Đăng
Sẽ không có EarPods theo hộp iPhone 12, Apple muốn ép người dùng mua AirPods?
Khách hàng mua iPhone 12 có thể không nhận được tai nghe EarPods kèm hộp. Điều này được cho là nằm trong chiến lược kinh doanh mới của Apple.