Dự thảo lần 7 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) ban hành ngày 3-4 có những thay đổi căn bản so với trước đây. Đáng chú ý nhất là những quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô với loại hình taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Xe hợp đồng phải gắn bảng điện tử

Cụ thể, điều 6 của dự thảo về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi quy định taxi phải có phù hiệu "xe taxi" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính phía trước của xe, niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định; có hộp đèn với chữ "taxi" gắn cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 15 x 20 cm.

Đối với taxi sử dụng phần mềm tính tiền, trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số; kết thúc chuyến đi, phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về Tổng cục Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định.

Grab sẽ gắn hộp đèn như taxi? - Ảnh 1.

Nếu dự thảo nghị định lần 7 được thông qua, các xe hợp đồng điện tử như Grab phải gắn hộp đèn như taxi

Trong thời hạn 1 tháng, taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng. Xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, điều 7 của dự thảo quy định xe phải có phù hiệu "xe hợp đồng" với cách bố trí và ghi thông tin như taxi. Trên kính phía trước và kính phía sau xe niêm yết chữ "xe hợp đồng".

Đặc biệt, dự thảo cũng quy định với ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (như các ôtô hoạt động Grab hiện nay - PV) sử dụng hợp đồng điện tử phải có bảng điện tử với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu là 15 x 20 cm và phải được bật sáng khi xe tham gia giao thông. Khi vận chuyển hành khách, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.

Trong thời hạn 1 tháng, ôtô kinh doanh vận tải khách bằng hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Về điều khoản thi hành, dự thảo quy định trước ngày 1-7, ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu "xe hợp đồng" trước ngày nghị định này có hiệu lực phải lắp bảng điện tử theo quy định.

Định nghĩa rõ sẽ chấm dứt tranh cãi!

Bày tỏ sự ủng hộ các quy định mới trên nhưng Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng để bảo đảm không trái luật, dễ quản lý, công bằng về điều kiện kinh doanh giữa các loại hình vận tải, Nghị định thay thế Nghị định 86 phải định danh cụ thể và đúng với bản chất của loại hình vận tải chở khách bằng taxi và xe hợp đồng điện tử. Các doanh nghiệp sẽ tự căn cứ vào đó để lựa chọn và đăng ký loại hình kinh doanh cho phù hợp.

Theo ông Hùng, loại hình vận tải như taxi hiện nay quy định đã rất chặt chẽ. Tuy nhiên, loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử lại chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Do đó, nếu không định nghĩa rõ ràng sẽ là lỗ hổng lớn trong chính sách. "Kể từ khi có Quyết định 24 về thí điểm loại hình vận tải hợp đồng điện tử, hàng loạt vấn đề bất cập xảy ra. Hàng vạn xe chở người từ 16 chỗ ngồi trở xuống hoán cải thành xe Limousine 9 chỗ ngồi. Chính những xe này len lỏi vào các tuyến phố đón khách tại nhà gây ùn tắc giao thông" - ông Hùng nêu quan điểm.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, khẳng định cần làm rõ thế nào là taxi và thế nào là xe hợp đồng, cũng như phân biệt rõ 5 loại hình vận tải, sẽ tạo được sân chơi bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các loại hình. "Làm được điều này sẽ chấm dứt những bất cập, tranh cãi, khiếu nại giữa các loại hình kinh doanh như Grab và taxi truyền thống, cũng như giải quyết thỏa đáng những ý kiến trái chiều" - ông Quyền kiến nghị.

Chưa chắc "chốt" được!

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 được ban hành lần đầu vào tháng 2-2016. Đến nay sau hơn 3 năm, trải qua 7 lần ban hành với hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa loại hình taxi truyền thống và loại hình ôtô chở khách như Grab.

Lần này, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản mời các bộ, ngành; các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Sở GTVT các địa phương; Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và hiệp hội taxi 3 TP lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng; các hãng taxi như Mai Linh, Vinasun; Công ty TNHH Garb… dự cuộc họp và trao đổi về dự thảo lần 7 này vào ngày 8-4.

Nói về cuộc họp sắp tới, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng dự thảo vẫn còn những bất cập và sẽ gây tranh cãi giữa các bên liên quan nên có thể vẫn chưa "chốt" được.

Ngoài ra, ông Quyền đánh giá việc ban soạn thảo vẫn không có những quy định, chế tài rõ ràng để ràng buộc đối với loại hình xe Limousine là bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định.

Báo cáo Chính phủ trước ngày 15-4

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho biết bộ đã họp với các cơ quan liên quan để tiếp thu ý kiến và hiện đã nhận được văn bản của một số đơn vị, đang tổng hợp để tiếp thu. Sau khi họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Bộ GTVT sẽ khẩn trương hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trước ngày 15-4.

"Dự thảo nghị định này rất quan trọng, do đó chúng tôi sẽ cố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Khi nghị định thay thế Nghị định 86 ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ với hoạt động vận tải, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp" - ông Ngọc cho hay.

Người lao động