Nhà sách Alpha Books vừa tổ chức buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo tại Phố Sách 19/12.

Cuốn sách tuyển chọn những bài báo, bài phỏng vấn Giáo sư Đặng Hùng Võ trong vòng 30 năm qua, từ khi còn là một nhà trắc địa bản đồ cho tới dấu ấn với công nghệ định vị GPS, đến khi về hưu nhưng vẫn luôn trăn trở với những vấn đề “nóng" liên quan đến chính sách đất đai, nhà ở. 

Các bài viết đều toát lên chân dung vị Giáo sư “dị tướng", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những người có nhiều đóng góp nhất cho ngành Bản đồ và Quản lý đất đai tại Việt Nam. Ông được người dân yêu mến với những công trình khoa học, tạo bước tiến lớn cho ngành trắc địa - bản đồ, tạo đà để kinh tế - xã hội phát triển cũng như giữ vững chủ quyền an ninh, quốc phòng.

Sách được chia thành 3 nội dung chính: Quá trình trưởng thành, học tập và lao động khoa học miệt mài của Giáo sư Đặng Hùng Võ; Chân dung vị giáo sư trong đời thường với con tim không bao giờ “ngừng yêu" gia đình và văn chương nghệ thuật; Giáo sư Đặng Hùng Võ khi đã giã từ nghiệp quan trường, được thử sức với những lĩnh vực mới mẻ.

Cuốn Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo nằm trong dự án ra mắt sách năm 2024 của Giáo sư. Cuốn đầu tiên là tập hợp các bài Giáo sư trả lời phỏng vấn báo chí như những lời đối thoại về cuộc sống. Tác phẩm tiếp theo là những bài viết của Giáo sư Đặng Hùng Võ đăng trên các báo, tạp chí, cũng như bút ký về hoạt động trong đời.anh 1.jpg

Một trí thức tâm huyết với sự nghiệp

GS. Đặng Hùng Võ có 17 năm kinh nghiệm làm công tác quản lý, trong đó 15 năm quản lý các cơ quan cấp Bộ và Trung ương. 

Không chỉ xuất sắc trong công tác lãnh đạo, GS. Đặng Hùng Võ còn là nhà khoa học có nhiều công trình thiết thực. Ông là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất được nhận Giải thưởng Công trình Khoa học của Đại học Bách khoa Vacsava, Ba Lan. 

Ở Việt Nam, ông đưa thiết bị định vị toàn cầu - GPS vào công tác trắc địa bản đồ cũng như tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực này. Năm 2005, Giáo sư vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những đóng góp của mình trong ngành đo đạc - bản đồ. 

ab8i0139.jpg
GS. Đặng Hùng Võ cùng GS. TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa Bản đồ viễn thám

Trao đổi tại Tọa đàm, GS. TS. Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa Bản đồ viễn thám Việt Nam khẳng định: “Hệ thống thu thập, xử lý, phân tích địa không gian nói chung và thông tin đất đai nói riêng của Việt Nam đứng ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này là nhờ công lớn của anh Đặng Hùng Võ”.

Một người bạn thân thiết với báo chí

Trước GS. Đặng Hùng Võ, không nhiều nhà khoa học hoạt động tích cực với báo giới. Khi bắt tay làm công tác quản lý, ông nhận ra “khoa học cần báo chí cũng như báo chí cần khoa học”.

Những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô, từ miếng cơm manh áo, cho tới đất đai, nước, hạ tầng thông tin… tất cả đều cần báo chí để đến gần hơn với cuộc sống người dân. Ngược lại, đây cũng là những đề tài “nóng”, thích hợp cho các nhà báo khám phá và “mổ xẻ”.

Nhà báo Đỗ Hữu Khôi, người từng tiếp xúc với rất nhiều lãnh đạo cho biết GS. Đặng Hùng Võ là một trong những người anh thích làm việc cùng nhất. “Báo chí hay bất kỳ loại hình nào đều là để kể chuyện. Độ hay của nó phụ thuộc vào chất liệu. Anh Đặng Hùng Võ không chỉ có những chia sẻ về chính sách quản lý mà còn có vô vàn câu chuyện hấp dẫn”, anh cho hay.

Nhà báo Lê Sơn, một trong những người có bài báo được in trong sách cho biết: “Sự chủ động hợp tác với truyền thông đem lại lợi ích lớn. Nhờ đó mà những nhà lãnh đạo cấp cao có thể lắng nghe tiếng nói của người làm chính sách trực tiếp và sự phản hồi của xã hội”. 

Trong suốt cuộc đời, GS. Đặng Hùng Võ được nhiều nhà báo tìm đến phỏng vấn từ những câu chuyện đời thường đến các vấn đề chuyên môn. Những người bạn nhà báo thích làm việc với ông vì Giáo sư luôn tự tin truyền đạt kiến thức sâu rộng một cách khúc chiết, dễ hiểu, lại không né tránh câu hỏi khó. Đặc biệt, dù có bận rộn đến đâu, Giáo sư vẫn sẵn sàng dành thời gian cho những cuộc gặp gỡ báo chí. 

Khi có ý kiến cho rằng hợp tác với nhà báo chẳng khác nào “bôi mỡ vào người để kiến đốt”, GS. Đặng Hùng Võ quan niệm: “Để không bị kiến đốt thì kiến thức của anh phải xịn, không bị méo mó ở bất kỳ góc độ nào. Báo chí giống như dòng chảy của thông tin nên rất cần thiết, nó có tính chất nghiệp vụ riêng nên mạng xã hội không bao giờ thay thế được”.

ab8i0159.jpg
GS Đặng Hùng Võ là một trong những người có nhiều đóng góp nhất cho ngành Bản đồ và Quản lý đất đai tại Việt Nam.

Nhà báo Lưu Hà, người có kinh nghiệm hợp tác với Giáo sư Đặng Hùng Võ ở chuyên mục Góc nhìn của báo VnExpress bộc bạch: “Chú Hùng Võ là một người bao dung và tôn trọng. Bao dung giảng giải những vấn đề mình còn chưa biết và tôn trọng sự nỗ lực tốt của người ở vị trí nhỏ hơn trong quá trình làm việc. Làm việc với chú Hùng Võ giúp tôi mở mang rất nhiều”.

Góp mặt tại buổi tọa đàm không chỉ có gia đình, đồng nghiệp, những người bạn nhà báo mà còn có những người yêu quý “ông quan thổ địa”. Một doanh nhân trẻ trong lĩnh vực bất động sản mong muốn có một cuốn sách chuyên về đất đai của Giáo sư. Một người khác hỏi ông về lời khuyên dành cho giới trẻ, nhận được câu trả lời: “Hãy cố gắng nhìn về tương lai trong 5-10 năm tới để rút ra những dự báo chuẩn xác nhất cho riêng mình”.

Minh Châu

(Ảnh: BTC)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về đọc sách

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về đọc sách

'Còn sách thì còn tri thức, còn sách thì còn loài người', Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định như vậy khi nói về giá trị của sách với cuộc sống con người.
Đọc sách để tư duy và sáng tạo

Đọc sách để tư duy và sáng tạo

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa ra mắt cuốn sách 'Học, Đọc sách và Sáng tạo' dạng cẩm nang, là những câu nói ngắn gọn, đúc kết từ các nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà giáo dục các nước.