"Hợp tác cùng nhau là cách tốt nhất để mỗi quốc gia bảo đảm độc lập dân tộc. Nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau rộng rãi lại làm tăng quyền tự chủ của mỗi quốc gia" - ông Thomas Patterson, Giáo sư Chính phủ và Báo chí trường Đại học Harvard, cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam chia sẻ.

- Nhân dịp kỉ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, theo ông, nước Mỹ nhìn nhận đất nước Việt Nam hôm nay như thế nào? Nước Mỹ nhìn nhận thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam? 

Việt Nam là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ, mặc dù vai trò trọng tâm đã có chút thay đổi kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Từ nhiệm kì của Tổng thống Barack Obama đã chủ trương xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và Việt Nam là trung tâm của nỗ lực đó. Obama nhìn nhận TPP là hướng đi giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển và nhờ đó, tăng cường an ninh quốc gia và độc lập chính trị.

{keywords}
GS Thomas Patterson: Giống như Obama, Tổng thống Trump khẳng định bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Tuy nhiên, Mỹ ra khỏi TPP như một phần của chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Nhưng Tổng thống Trump cũng đang thể hiện rõ ràng việc muốn tìm kiếm mối quan hệ vững chắc với Việt Nam và muốn các công ty Mỹ đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Đồng thời, giống như Obama, Tổng thống Trump khẳng định bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sách đó sẽ tiếp tục được duy trì, cho dù bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa thu này. Mỹ, giống như Việt Nam, cam kết duy trì Luật Biển.

3 lý do khiến Việt Nam nhận được sự quan tâm đầu tư lớn từ DN Mỹ

- Từ đại dịch Covid-19, ông nhận thấy Việt Nam và Mỹ có những cơ hội gì để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước? 

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết mọi nền kinh tế trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Nhưng ngay khi đại dịch lắng xuống, tôi tin rằng sẽ có 3 lý do khiến Việt Nam nhận được sự quan tâm đầu tư lớn từ phía các doanh nghiệp Mỹ.

Thứ nhất, do chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ, nhiều công ty có thêm vốn để đầu tư. Thứ hai, các công ty Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Thứ ba, Việt Nam là một điểm thay thế hấp dẫn. Công nhân Việt Nam Việt Nam cần cù, có trình độ và cởi mở. Họ chính là kiểu người lao động mà các công ty Mỹ muốn tuyển dụng.

Tuy nhiên, trở ngại chính đối với đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không phải là nguồn lao động hay khả năng đầu tư mà là những rào cản đầu tư, các quy định hành chính. Nếu những rào cản này tiếp tục được dỡ bỏ mạnh mẽ thì các công ty nước ngoài đến đầu tư. Chắc chắn sẽ có một dòng vốn khổng lồ đổ vào đây.

- Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, theo ông, cần tiếp tục có những hợp tác thế nào nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh chung trong khu vực châu Á nói chung và trên Biển Đông nói riêng?

Không có quốc gia nào được hưởng lợi từ xung đột vũ trang ở châu Á. Đồng thời, tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích của mọi quốc gia trong khu vực là nền tảng của đời sống quốc tế.

Theo tôi, tất cả các quốc gia trong khu vực, cùng với nhau, cần thể hiện rõ rằng, các bên liên quan phải tôn trọng các điều ước, quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

Hai nước có nhiều lợi ích chung

- Sau đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhiều quốc gia nhận ra rằng việc quá tập trung vào một quốc gia nào đó là điều không nên. Vậy theo ông, làm thế nào để một quốc gia có thể nâng cao tính độc lập tự chủ, giảm thiểu được sự lệ thuộc của mình vào một quốc gia khác?

Hợp tác cùng nhau là cách tốt nhất để mỗi quốc gia bảo đảm độc lập dân tộc. Nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau rộng rãi lại làm tăng quyền tự chủ của mỗi quốc gia. Nếu một đất nước quá tập trung vào một quốc gia nào đó, đất nước đó sẽ dễ bị tổn thương nếu gặp vấn đề với quốc gia kia. Việc liên kết với nhiều quốc gia có thể giúp họ tránh được các rắc rối phát sinh từ liên kết yếu kém nhất.

Dường như có 3 xu hướng toàn cầu hoá được dự đoán diễn ra sau đại dịch Covid-19. Thứ nhất, toàn cầu hoá theo hướng Tổ chức thương mại thế giới WTO đặt ra nhưng sẽ chững lại. Thứ hai, toàn cầu hoá theo chính sách "Vành đai con đường" của Trung Quốc. Thứ ba, toàn cầu hoá theo giá trị riêng của Mỹ. Vậy theo ông, xu hướng toàn cầu hoá sẽ như thế nào tới đây, có như những xu hướng mà nhiều người dự đoán như vậy không?

Trung Quốc sẽ ngày càng có vai trò lớn hơn trong những năm tới vì tầm vóc kinh tế của nước này. Nhưng điều đó có thể xảy ra một cách hòa bình và vì lợi ích của tất cả các nước nếu Trung Quốc tôn trọng luật pháp và chuẩn mực quốc tế, đồng thời tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nếu Trung Quốc làm được như vậy, vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ hoàn toàn được hoan nghênh.

Trung Quốc hiện không đi theo hướng đó vào lúc này và, nếu tiếp tục chỉ toan tính lợi ích cá nhân, gần như không thể tránh khỏi gây chia rẽ thế giới.

- Vậy theo như dự đoán của ông, quan hệ Việt - Mỹ sẽ như thế nào trong 5 năm tới đây trong bối cảnh thế giới được dự kiến sẽ định hình lại sau đại dịch?

Trừ khi giới lãnh đạo của Mỹ hay Việt Nam muốn hạn chế giao lưu, nếu không, tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng thắt chặt. Hai nước có nhiều lợi ích chung và không có nhiều điểm khác biệt.

Tôi nằm trong số nhiều người Mỹ nhìn vào tương lai, đang chờ đợi một ngày mà hai nước phối hợp thật chặt chẽ vì lợi ích chung.

Lan Anh

Mỹ phản đối việc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

Mỹ phản đối việc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

Mỹ phản đối việc một quốc gia nào đó tìm cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam - Đại sứ Daniel Kritenbrink nêu rõ.