- "Làm việc với anh Châu rất thích nhưng cũng rất khó vì anh rất nghiêm khắc. Có lẽ những nhà Toán học thường như thế. Những đoạn dài, rườm rà, sến thì anh cắt hết. Nhưng cách làm việc của anh Châu... rất buồn cười, chẳng hạn có đoạn tôi viết xong gửi anh, anh bảo "cái này hay lắm", thế rồi một tháng sau anh email lại cho tôi và bảo... viết lại",  nhà văn Nguyễn Phương Văn.

TIN BÀI KHÁC

Hollywood chới với vì Trung Quốc có “tháng bảo vệ”
Chết cười với những phút "nguy hiểm" của hoa hậu

Khán giả trẻ phát "cuồng” với Giọng hát Việt

Khi âm nhạc thăng hoa đến tận cùng

Hà Nội vẫn còn một kho đĩa than quý hiếm

Hoàng My lọt top Hoa hậu bãi biển đẹp nhất

Pianist Tuấn Nam: Biến jazz thành gia vị lạ miệng

"Nguyễn Phương Văn và Ngô Bảo Châu đã rất tài tình khi kết hợp Toán học và văn chương một cách nhuần nhuyễn đến như vậy", Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

"Cách làm việc của anh Châu... rất buồn cười"

Tối 3/8 tại trung tâm văn hóa Việt Pháp – L'espace (Hà Nội) đã diễn ra buổi nói chuyện giữa hai tác giả “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” với độc giả. Tới dự có nhà thơ Trần Đăng Khoa, Giáo sư Hà Huy Khoái.

Cuộc tọa đàm xung quanh cuốn tiểu thuyết “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” do GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn viết chung thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” đã tái bản lần thứ 4 và trong tuần ra mắt đầu tiên vào tháng 3/2012 đã bán được 10.000 cuốn.

Trong buổi toạ đàm đã có rất nhiều câu hỏi được đưa ra gây ngạc nhiên và xúc động cho các tác giả. GS Ngô Bảo Châu chia sẻ rằng ban đầu anh không định viết một cuốn tiểu thuyết như bây giờ mà chỉ định viết một vài bài báo nói về Toán học thông qua văn chương.

Nhưng cuối cùng, sau khi đi giảng dạy và nói chuyện các bạn học sinh phổ thông, ý tưởng về cuốn sách Toán dành cho thiếu nhi và những người lớn tuổi vẫn có tâm hồn thiếu nhi ra đời. Người đầu tiên GS Châu nghĩ đến hợp tác là nhà văn Nguyễn Phương Văn. 

Từ trái qua phải: GS Hà Huy Khoái, nhà văn Nguyễn Phương Văn, GS Ngô Bảo Châu, Nhà Thơ Trần Đăng Khoa

Theo nhà văn Nguyễn Phương Văn, để cho ra lò được cuốn sách này, cả hai phải tốn rất nhiều tiền... cà phê, một vài quán cà phê từ Nam chí Bắc có lẽ đã nhẵn mặt anh và GS Châu. "Làm việc với anh Châu rất thích nhưng cũng rất khó vì anh rất nghiêm khắc. Có lẽ những nhà Toán học thường như thế. Những đoạn dài, rườm rà, sến thì anh cắt hết. Nhưng cách làm việc của anh Châu... rất buồn cười, chẳng hạn có đoạn tôi viết xong gửi anh, anh bảo "cái này hay lắm", thế rồi một tháng sau anh email lại cho tôi và bảo... viết lại.

Có lúc anh Châu lại băn khoăn bảo "Văn này, truyện của mình từ đầu chí cuối không có cái cây nào, Văn cho cây vào đi. Cuốn sách này tôi và anh Châu viết 50- 50 nhưng cuối cùng do sửa đi sửa lại nhiều lần quá nên bây giờ thật khó mà phân biệt được ai viết đoạn nào" - đồng tác giả Phương Văn kể.

Tác giả Phương Văn tiết lộ, trong Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình có hai bức thư, và hai bức thư này thì "không ai động bút của ai", chỉ có điều độc giả sẽ tự phán đoán xem bức nào là của giáo sư Ngô Bảo Châu và bức nào là của người bạn thân anh viết. Một điểm thú vị nữa là cả anh và GS Châu đều rất thích truyện Alice ở xứ sở thần tiên nên tác phẩm được viết như một câu chuyện cổ tích lãng mạn.

Ngô Bảo Châu giỏi Toán thế thì liệu viết văn có ra gì không?

Tại buổi giao lưu, một độc giả nhí đã hỏi các tác giả rằng, tại sao tên hai nhân vật chính là Ai và Ky (tên rất thuần Việt) trong khi các nhân vật khác đều lấy tên nước ngoài? Giáo sư đã chia sẻ: "Việc chọn tên và nhân vật rất khó khăn nhưng nhiều điều thú vị. Ban đầu thì chúng tôi nghĩ rằng Toán học bắt đầu từ hai điểm A và B, cho nên có thể đặt tên hai nhân vật chính là A và B.

Nhưng nếu thế thì hơi kỳ quặc, theo phát âm Tiếng anh thì A và B đọc là "ây và bi", đọc ngược lại nghe rất "bi ai" nên ngay lập tức cái tên này bị loại khỏi đầu. Sau đó, chúng tôi cũng bàn bạc nhiều, nhưng tôi không nhớ điều gì đã dẫn đến việc cuối cùng chọn tên Ai và Ky. Có lẽ, chọn Ai và Ky để có người hỏi "tại sao lại đặt tên "Ai và Ky" và sẽ trả lời là Ai là Ai và Ky là Ky" - GS Châu hài hước cho biết.

Một độc giả khác băn khoăn hỏi tại sao nhân vật Pythagoras lại ghét số vô tỉ, GS Châu giải thích: "Số hữu tỉ, theo tiếng Anh và tiếng La tinh thì có hai nghĩa, là hữu tỉ và hợp lý. Pythagoras vốn thuộc trường phái lý trí, với quan điểm sức mạnh lý trí lên trên hết. Điều đó rất khác với người phương Đông. Và đó có hệ quả cực đoan là những người thuộc trường phái này thấy số vô tỉ là không hợp lý. Chính vì thế nên mới có truyền thuyết về một người phát hiện ra căn bậc lại là số hữu tỉ đã bị đày xuống biển".

GS Ngô Bảo Châu cho biết điều tiếc nuối nhất ở Ai và Ky là nhân vật không có cảm xúc

"Đọc truyện của Ngô Bảo Châu rất khó hiểu, con tôi đọc Ai và Ky xong phát biểu "Bố ơi, tranh trong cuốn sách này đẹp lắm nhưng nội dung thì khó hiểu. Vậy anh có cách nào hướng dẫn các cháu nhỏ đọc truyện này để dễ hiểu hơn không"- một phụ huynh hỏi. GS Ngô Bảo Châu phân trần: "Đọc không hiểu là chuyện bình thường. Các nhân vật trong truyện cách nhau tới 2.000 năm, lại được gói gọn trong một cuốn sách nên không đơn giản để thấu hiểu hết. Để đọc cuốn sách thì phải nhâm nhi, không hiểu cũng không sao cả, bởi như vậy mới còn có thể đọc lại. Hi vọng nhỏ nhoi của tôi là người đọc không hiểu đểu tò mò và quay lại".

Một độc giả học lớp 8 thẳng thắng bày tỏ quan điểm của mình về cuốn sách: "Em thấy có thể Ai và Ky thành công như ngày hôm nay một phần cũng vì tên tuổi của hai tác giả, và cũng vì cách PR tốt. Người ta tò mò rằng Ngô Bảo Châu giỏi Toán thế thì liệu viết văn có ra gì không nên tìm đọc. Có rất nhiều lời có cánh dành tặng cho cuốn sách của các anh nhưng em xin hỏi một câu, các anh có cảm thấy hối tiếc điều gì khi cuốn sách này xuất bản không?". 

"Tôi không nuối tiếc, vì tham vọng không nhiều nên không tiếc nuối. Chỉ có điều là đối tượng độc giả tôi muốn hướng đến lại nhiều tuổi hơn tôi nghĩ. Chẳng hạn khi tôi đến các hiệu sách thì thấy sinh viên mua nhiều hơn học sinh cấp 3 và học sinh cấp 3 thì mua nhiều hơn các em cấp 2 và rất ít phụ huynh mua sách cho con mình. Một lần tình cờ ở hiệu sách, khi mang truyện của tôi với một truyện khác so sánh xem nên mua cuốn nào thì một phụ huynh đã khuyên con của họ mua cuốn sách kia vì cuốn đó nhiều chữ hơn mặc dù bằng giá với cuốn của tôi"- nhà văn Nguyễn Phương Văn chia sẻ.

GS. Ngô Bảo Châu
Còn GS Ngô Bảo Châu thì điềm tĩnh nói: "Điều tôi nuối tiếc nhất là các nhân vật trong Ai và Ky không buồn, không vui. Nên ngay từ đầu tôi mới nói rằng, cuốn sách mới chỉ là cận văn học".

Cuối buổi toạ đạm, Đào Thu Hương, một độc giả khiếm thị nghẹn ngào phát biểu: "Những cuốn sách hay như Ai và Ky cần nhân rộng bởi cả người khiếm thị cũng cần được đọc những cuốn sách hay. Với việc chưa có một bản chữ nổi hay bản CD của cuốn sách lại khiến những người có hoàn cảnh đặc biệt như Hương gặp khó khăn trong việc cảm nhận vẻ đẹp của những trang sách". Câu hỏi của Hương khiến các tác giả đều vô cùng xúc động. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, qua việc này chúng ta cần xem lại, nếu có những quỹ hỗ trợ trẻ em miền núi nghèo thì cũng nên có một quỹ để hỗ trợ người khiếm thị có thể đọc được sách.

"Nguyễn Phương Văn và Ngô Bảo Châu đã rất tài tình khi kết hợp Toán học và văn chương một cách nhuần nhuyễn đến như vậy. Cuốn sách đã làm giản dị hoá những thứ phức tạp của Toán học. Người tài là người biết biến những thứ phức tạp trở nên đơn giản còn người tồi là luôn biến những thứ đơn giản trở nên phức tạp hơn"- Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

“Cuốn sách là một câu chuyện cổ tích đẹp, với nắng vàng trên bãi cát, với bầu không khí trong vắt của trí tuệ và tình người, với những nghịch lý và âm mưu. Ta chợt nhận ra rằng, thế giới của những con số cũng huyền ảo, kỳ bí và lãng mạn như cuộc đời.”- GS Hà Huy Khoái.


Tình Lê