Ngoài niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Giáo sư Ngô Bảo Châu còn có một niềm đam mê nữa. Đó chính là thể thao.
TIN BÀI KHÁC
TP.HCM: Nữ sinh lớp 7 bị đánh ghen, lột áo
Thù nhỏ 10 năm, cụ ông đâm gục 2 người
Nhật phát hiện phóng xạ trong sữa mẹ
Bắt nghi phạm giết nữ sinh đang chat webcam
Thù nhỏ 10 năm, cụ ông đâm gục 2 người
Nhật phát hiện phóng xạ trong sữa mẹ
Bắt nghi phạm giết nữ sinh đang chat webcam
Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu nổi tiếng thế giới với
công trình “Bổ đề cơ bản Langlands” và được đánh giá “năng lực giải toán của anh
cũng là năng lực giải toán của nhân loại”. Chủ nhân giải thưởng Fields - Nobel
toán học còn được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao bởi kiến thức sâu rộng về các
lĩnh vực xã hội như văn học, lịch sử, địa lý và cả nghệ thuật.
Tình yêu và đam mê bóng đá
Giáo sư - tiến sĩ Ngô Huy Cẩn, bố của giáo sư Ngô Bảo
Châu kể: “Tôi nhận thấy Châu thích bóng đá và ham đá bóng trong một lần cả nhà
đi nghỉ mát. Trong hành lý, Châu bí mật mang theo một quả bóng nhựa và chơi với
bạn bè rất vui. Tôi cũng thường xuyên động viên Châu luyện tập thể thao để có
sức khỏe phục vụ cho việc học hành và nghiên cứu khoa học”.
Ở lớp chuyên
toán A0 (ĐH Tổng hợp Hà Nội), cậu học trò Ngô Bảo Châu thường dành nhiều thời
gian cho hoạt động thể thao. Khi tan học hay sau khi giải được bài toán khó, anh
thường tự thưởng cho mình một trận đá bóng với bạn bè. Đá bóng không chỉ mang
lại sức khỏe, sự thư thái mà còn là cơ hội để anh và bạn bè hiểu nhau hơn. Bởi
lớp của anh gồm nhiều học sinh tứ xứ, nhưng nhờ những trận đá bóng mà mọi người
thu hẹp được khoảng cách. Thông qua bóng đá, mỗi thành viên đều hiểu và gắn bó
hơn với tập thể, qua đó chia sẻ với nhau cả về việc học hành lẫn những tâm sự
của cuộc sống xa nhà.
“Hồi xưa, nhà ở Nam Đồng, Châu phải đạp xe xuống
Thanh Xuân để đi đá bóng, xa lắm nhưng vẫn rất chăm! Chiều mà đá bóng thì Châu
phải đạp đi, đạp về 4 lượt. Đạp xe như thế rất mệt, nên buổi sáng, Châu thường
dậy sớm, nấu cơm cho vào cặp lồng. Học xong, Châu ăn trưa và nghỉ ngơi tại
trường để chiều ra sân của khu tập thể Mễ Trì đá bóng”, ông Cẩn hồi
tưởng.
Nỗi day dứt 20 năm với qủa bóng tự chế
Giáo sư Ngô Bảo Châu
vẫn nhớ về đam mê bóng thuở học trò của mình. Vui có, nhưng những “tai nạn trong
thể thao” như lần phải viết bản kiểm điểm vì đá vỡ kính nhà trường cũng có. Tuy
nhiên, nỗi day dứt lớn nhất trong đời học sinh của anh lại bắt nguồn từ một trận
đấu ở trường Trưng Vương.
Đó là buổi chiều mưa, trong giờ nghỉ giải lao,
Châu và bạn bè vo tròn cái áo mưa của thầy chủ nhiệm Tôn Thân để làm bóng. Cả
lớp đá rất vui cho đến giờ vào lớp. Khi thấy cái áo mưa của mình bị biến thành
quả bóng, thầy Thân rất buồn và hỏi ai là thủ phạm. Cả lớp im lặng và nhìn thầy
lo lắng. Thầy Thân nói rất buồn vì 2 lý do. Thứ nhất, các em không biết tôn
trọng tài sản của người khác. Thứ hai, các học trò thật thiếu dũng cảm, không ai
dám nhận trách nhiệm với việc làm sai trái của mình. Cuối cùng, chỉ có một cậu
bị phạt, chỉ vì quả bóng tự chế từ chiếc áo mưa nằm gọn trong chân
anh.
Câu chuyện tưởng như đã trôi vào quên lãng. Nhưng mới đây, sau khi
giành giải thưởng Fields, cậu học trò Bảo Châu ngày nào đã gửi e-mail cho thày
Thân để cảm ơn công lao dậy dỗ và không quên nhắc lại sự cố ấy. Trong thư, anh
viết: “Em cảm thấy rất xấu hổ vì đã nhiệt tình tham gia đá bóng với cái áo mưa
khốn khổ của thầy mà lại im thin thít. Em học được ở thầy tình yêu với vẻ đẹp
trong sáng của toán học. Ngoài ra, chúng em học được ở thầy một điều rất quan
trọng là muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ”.
Giáo sư Ngô Bảo
Châu nói rằng không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng
ai cũng có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa. Trong thể thao cũng thế, chẳng
phải ai cũng có thể đạt HCV Olympic hay vô địch World Cup, nhưng mọi người đều
có thể tập luyện thể thao để khỏe mạnh và hạnh phúc hơn trong cuộc
sống.
Bài toán đường bóng hình quả chuối
Trong thời gian học tập
và làm việc ở bên Pháp, Ngô Bảo Châu quen nhiều cao thủ về vật lý. Anh cùng bạn
bè thường nghiên cứu để tìm ra lời giải cho những đường bóng "siêu dị". Một đề
toán được đưa ra làm chủ đề tranh cãi rất lâu, là quả sút phạt không tưởng của
Roberto Carlos vào lưới ĐT Pháp ở giải Tứ Hùng năm 1997. Thưởng thức những trận
đấu đỉnh cao, những pha bóng đẹp là điều bình thường của NHM, nhưng với giáo sư
Ngô Bảo Châu, anh còn thấy những vẻ đẹp khác mà “chính những cầu thủ đã giao
những bài toán hóc búa cho các nhà toán học".
“Nhà tôi giống nhà... Maldini”
Bố là giáo sư-tiến sĩ Ngô Huy Cẩn - vị chuyên gia hàng đầu Việt
Nam về ngành cơ học chất lỏng. Thế nên, cậu bé Ngô Bảo Châu luôn được giới thiệu
là con trai của bố Cẩn. Nhưng bây giờ, khi cậu con trai đã nổi tiếng trên toàn
thế giới thì mỗi lần xuất hiện, ông Cẩn lại được giới thiệu là bố của giáo Ngô
Bảo Châu.
Giáo sư Ngô Huy Cẩn tâm sự: “Chuyện cha con tôi giống nhà
Maldini ở bên Ý. Khi còn nhỏ, Paolo Maldini được giới thiệu là con trai của
Cesar Maldini nhưng về sau, khi cậu con trai nổi tiếng thì người ta lại giới
thiệu ngược rằng Cesar là bố của Paolo. Con hơn cha là nhà có phúc. Châu thành
đạt thế, cả nhà sung sướng tự hào lắm, coi đó là phúc trời cho”.
Theo Bóng Đá Cuộc Sống