Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, khi triển khai tại nhiều tỉnh miền núi, công tác này gặp không ít khó khăn.

Điển hình như tỉnh Hà Giang, hiện còn bộ phận người dân chưa có điện thoại thông minh, chưa có điều kiện để tiếp cận thông tin. Một số thôn vùng khó khăn chưa có điện, hiệu quả kinh doanh viễn thông thấp, còn nhiều thôn trắng sóng trên địa bàn tỉnh. 

hà gian.jpg
Hà Giang thúc đẩy nhiều giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, kinh phí dành cho chuyển đổi số còn hạn chế. Nhu cầu nguồn lực cho chuyển đổi số là rất lớn, trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế; cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ thông tin tại xã thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến xây dựng chính quyền số nông thôn…

Để đẩy mạnh công tác này, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 202 1 – 2025, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Đối với Trang thông tin điện tử nông thôn mới tỉnh Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã cập nhật, đăng tải trên 30 văn bản, tài liệu của Trung ương và địa phương, trên 100 tin, bài về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Thời gian tới, các cấp, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số như các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới với việc tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.