Huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) có trên 93% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Quang Bình như chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, các công trình phúc lợi, góp phần cải thiện đời sống, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, huyện đang thực hiện 65 dự án. 

Trong các dự án đang triển khai, huyện Quang Bình nhận được tổng nguồn vốn giao trên 298 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân được hơn 155 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch được giao. Từ nguồn vốn này, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Anh Vàng A Sơn (thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình) đã nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn 40 triệu đồng. Anh Sơn mua 2 con trâu sinh sản. Đến nay, anh phát triển đàn trâu lên 4 con, trong đó 2 con đang có chửa. 

Trước đó, gia đình anh thuộc hộ nghèo. Sau khi nhận được vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, gia đình anh đã vươn lên khỏi danh sách các hộ nghèo trong thôn. Bản thân anh Sơn vô cùng vui mừng với sự hỗ trợ trao sinh kế của các dự án phát triển nông – lâm nghiệp.

dan toc.png
Người dân tại Hà Giang tham gia lễ lúa mới. Ảnh: P.Anh

Cùng với anh Sơn, anh Vàng Văn Lợi (thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình) cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng mua 2 con trâu sinh sản. Đến nay, trâu đang có chửa. Từ khi được hỗ trợ, vợ chồng anh Lợi yên tâm nuôi trâu và trồng thêm các loại rau màu mang lại hiệu quả kinh tế.

Để các nguồn vốn được triển khai hiệu quả, chính quyền các xã, thị trấn tại huyện Quang Bình đã thực hiện nhiều giải pháp, thành lập các tổ tham gia dự án, tiểu dự án. Các dự án đều được nhân dân tham gia nhiệt tình.

Để phát huy nguồn vốn, các địa phương gắn trách nhiệm nhận nguồn hỗ trợ cho hộ gia đình nhận trâu như đảm bảo chuồng trâu, có diện tích trồng cỏ, mùa đông trâu phải được giữ ấm...

Các địa phương có thể trực tiếp mua trâu, chọn trâu về trao cho hộ gia đình nhận hỗ trợ. Trâu được chọn là trâu đang có chửa. Sau đó, các cán bộ địa phương sẽ hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ chuồng trại để trâu khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh. Từ đó, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, huyện Quang Bình có 3 dân tộc thuộc dân tộc thiểu số ít người là dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá. Ngoài phát triển nguồn vốn nông nghiệp thoát nghèo, đồng bào dân tộc tại đây còn được hỗ trợ vốn để phát triển các nghề truyền thống vừa tăng sinh kế vừa gìn giữ các bản sắc dân tộc.

Tại xã Yên Thành, huyện Quang Bình, đồng bào dân tộc Pà Thẻn với nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được hỗ trợ vốn thành lập hợp tác xã dệt. Hợp tác xã được hỗ trợ vốn mua khung cửi, nguyên liệu.

Hợp tác xã trở thành nơi làm việc cho hơn 70 hội viên. Qua đó, những nghệ nhân vừa truyền dậy nghề truyền thống cho chị em phụ nữ trong thôn cũng như tạo ra các sản phẩm bán ra thị trường, thu hút khách du lịch tới tham quan.

Các sản phẩm của hợp tác xã như túi, váy, áo của dân tộc Pà Thẻn được đông đảo khách du lịch trong đó có du khách nước ngoài yêu thích.

Tỉnh Hà Giang có trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Trong các dự án lớn giai đoạn 2021 – 2025 dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Giang được phân bổ hơn 8.700 tỷ đồng với 10 dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ngân sách từ Trung ương là 7.800 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn từ địa phương và các nguồn khác.

Mỗi địa phương đều triển khai các kế hoạch và phát triển mô hình theo nhu cầu và mong muốn của các hộ dân để họ có động lực phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng, giúp thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại Hà Giang.

Phương Anh