Đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2021.

Báo cáo của tỉnh cho hay, là một tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước nhưng đến năm 2021, Hà Giang đã hoàn thành và công nhận được 47 xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới, chiếm 26,9% tổng số xã. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn, đồng bào biên giới, dân tộc thiểu số yên tâm phát triển sản xuất, xóa bỏ dần tình trạng du canh, du cư, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Hà Giang đã quan tâm thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các chính sách phát triển KT - XH, giảm nghèo, gắn với bảo đảm QP - AN khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT – XH của địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức khá, bình quân đạt 5,62%. Tổng sản phẩm bình quân/người đến năm 2021 đạt 30,58 triệu đồng/người (tăng 8,64 triệu đồng năm 2016). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%, tăng 3,2% so với năm 2016.

Đặc sản cam Hà Giang đã góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 26,9% tổng số xã, trong đó có 3 xã biên giới hoàn thành 19/19 tiêu chí. 100% các xã, thị trấn biên giới đã có đường ô tô đến trung tâm; 37 thôn biên giới có đường giao thông nông thôn đạt chuẩn Nông thôn mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo các huyện biên giới tăng từ 4,2,1% năm 2016 lên 51,8% năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 7 huyện biên giới giảm còn 25,06%. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa từng bước được nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới được giữ vững…

Có thể nói, các chính sách đã có tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng dân tộc. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới từng bước được cải thiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài tác động đến kinh tế - xã hội, các chính sách còn góp phần giữ vững an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác nắm tình hình, tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật được thực hiện tốt, kịp thời ngăn chặn không để các đạo lạ, tà đạo thâm nhập vào bản địa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Hà Giang đã làm được. Việc thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng đạt được kết quả khả quan. Đồng thời, một số xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chỉ số văn hóa, giáo dục, thông tin, đời sống kinh tế tăng, thu nhập của người dân được cải thiện. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh.

Đề nghị Trung ương nghiên cứu bổ sung một số chính sách mới mang tính đặc thù 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, thu nhập người dân còn thấp, công tác đào tạo nghề, giáo dục… đã đạt được một số kết quả nhưng chưa ổn định. Đối với các xã biên giới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị tỉnh nghiên cứu các phương án, chính sách đặc thù để các xã có thêm nguồn lực giải quyết những vấn đề giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, thông tin… Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh nên chọn những sản phẩm phù hợp, có những chính sách cho doanh nghiệp để thuận lợi trong việc kết nối, tiêu thụ; đồng thời chú ý đến công tác đào tạo nghề, tăng cường quản lý lao động ngoại tỉnh.

Chia sẻ với đoàn giám sát của Quốc hội cũng để việc triển khai các chương trình, chính sách thiết thực và đạt hiệu quả cao hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiến nghị Trung ương ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh để đầu tư các tuyến đường cao tốc, kết nối Hà Giang với các tỉnh trong khu vực; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để triển khai Đề án đầu tư xây dựng Hồ dự trữ nước quy mô dung tích lớn. Trung ương ban hành chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các xã biên giới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Trung ương nghiên cứu bổ sung một số chính sách mới mang tính đặc thù đối với các huyện nghèo thuộc khu vực biên giới, có tính tới yếu tố an ninh quốc gia, có chính sách phát triển rừng đủ mạnh để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân 4 huyện vùng cao nguyên đá biên giới phát triển và bảo vệ rừng. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, dược liệu, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, giúp các huyện nghèo chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Diệu Bình, Minh Hưng, Huy Linh