Đã hơn một năm kể từ ngày được giải cứu từ Trung Quốc trở về với gia đình, chị Hương (sinh năm 2005) trú tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang vẫn chưa thể đi làm và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Trường hợp của chị chính là lời cảnh tỉnh cho những cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin vào lời đường mật của những kẻ mua bán người.

Đầu năm 2019, chị Hương bị các đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc. Ba năm sau, chị được lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu và trao trả về Việt Nam. Chị Hương đã đến Đồn Biên phòng Bạch Đích, tỉnh Hà Giang để tố cáo người đã bán mình. 

Được biết, trong số nạn nhân của tội phạm mua bán người ở tỉnh Hà Giang, có trên 90% là phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 16 đến 30, trình độ, nhận thức hạn chế. Hầu hết nạn nhân trong những vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh đều chỉ biết mình bị lừa bán sau khi đã được các đối tượng đưa ra nước ngoài.

Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Hà Giang thời gian qua đã và đang có những hành động tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người.

Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người trong hội viên, phụ nữ và nhân dân. Các Chi hội Phụ nữ duy trì sinh hoạt ít nhất 1 lần/tháng với các chủ đề: Phòng, chống mua, bán phụ nữ, trẻ em; Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình... 

anh chup man hinh 2024 01 05 luc 232900.png
Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang chung tay đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp còn tích cực vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị với những nạn nhân bị mua, bán. Hướng dẫn cho phụ nữ, trẻ em bị mua, bán làm các thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và vay vốn phát triển kinh tế để nạn nhân hòa nhập với cộng đồng.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh Hà Giang cũng tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, điều kiện thực tế của địa phương. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp tổ chức 90 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người cho trên 5.000 lượt người; cung cấp 10.000 tờ gấp pháp luật cho các thôn, bản, hộ gia đình. 

Công an tỉnh tổ chức 452 cuộc tuyên truyền với trên 36.800 lượt người tham gia. 

Lực lượng Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm cho người dân sinh sống khu vực giáp biên được 311 cuộc/21.700 lượt người nghe. 

Theo Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang chậm phát triển, thiếu đất canh tác, nhu cầu việc làm cao. Lợi dụng những đặc điểm trên, tội phạm mua bán người đã dùng các thủ đoạn để lừa gạt, bán nạn nhân qua biên giới.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kịp thời đấu tranh, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi. 

Trong đó, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến từng địa bàn dân cư, trường học, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Chú trọng tuyên truyền về các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn, các phương thức phòng, chống; nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng còn phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, những nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về để sớm hòa nhập với cộng đồng. 

Về công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh Hà Giang phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của nạn nhân. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với lực lượng chức năng phía Trung Quốc giải cứu 1 nạn nhân bị mua, bán. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bàn giao 2 nhà ở cho nạn nhân bị mua, bán với tổng kinh phí 190 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 2 nạn nhân bị mua, bán tại huyện Đồng Văn. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai 2 mô hình hỗ trợ sinh kế cộng đồng cho phụ nữ nghèo, có nguy cơ cao bị mua, bán; tiếp tục duy trì 925 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán  trở về...

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và tích cực tham gia tố giác tội phạm, góp phần cùng lực lượng chức năng đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Nguyễn Quang Phong, Lê Thị Thúy Hồng

Quang Phong và nhóm PV, BTV