Ngày 1/10/1991, tỉnh Hà Giang chính thức được tái lập. Ngày 27/11 tới đây tỉnh sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh, 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang và tổng kết Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang và "Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VII tỉnh Hà Giang năm 2021.

Top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam

Nằm ở vùng cực Bắc của tổ quốc, Hà Giang sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di sản văn hóa độc đạo như cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, dòng Nho Quế.... đặc biệt là vẻ đẹp lộng lẫy của rừng hoa Tam giác mạch.

Dãy núi Tây Côn Lĩnh chạy dọc phía Tây của tỉnh nổi tiếng với đỉnh núi cao hơn 2.400m so với mặt nước biển. Hà Giang còn lưu giữ nhiều cánh rừng nguyên sinh và là nơi sinh sống của 19 dân tộc thiểu số.

{keywords}
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách

30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã vượt qua khó khăn, xây dựng tỉnh vững mạnh nơi địa đầu Tổ quốc, đang tiếp tục phấn đấu để không ngừng đưa Hà Giang đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế, xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc và đến năm 2045 trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội ở mức trung bình khá của cả nước.

Tận dụng những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, Hà Giang chọn ngành du lịch là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư đáng kể cho hệ thống hạ tầng cơ sở. Nhiều khu, điểm du lịch, nghề truyền thống, làng văn hóa cộng đồng được gây dựng, bảo tồn... 

Năm ngoái, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019); tạo ra 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn.

"Đặc sản" hấp dẫn du khách nơi vùng phên dậu

Gần chục năm nay, cứ vào dịp chớm đông, du khách thập phương lại náo nức rủ nhau lên Hà Giang để hòa mình vào các sắc màu lễ hội độc đáo của cao nguyên đá, cùng nhau thưởng lãm vẻ đẹp lộng lẫy của những bông hoa đang độ rực rỡ phủ kín các triền núi của vùng cao nguyên đá. 

Truyền thuyết về loài hoa Tam giác mạch được người dân bản địa kể lại rằng: Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, hạt gieo xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Cho đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng, mọi người mới chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn.

Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người lần theo mùi hương ấy đến khe núi và ngỡ ngàng khi thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Ăn thử hạt của hoa thấy ngon không kém gì ngô và gạo bèn mang về làm lương thực, khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vậy là cái tên “tam giác mạch” ra đời.

{keywords}
Lễ hội hoa Tam giác mạch Hà Giang đã trải qua 6 mùa

Được biết, trước khi trở thành "đặc sản" hấp dẫn du khách, tam giác mạch chính là cây lương thực của đồng bào Hà Giang bên cạnh ngô và lúa. Theo đó, người vùng cao dùng hạt tam giác mạch để xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị đặc biệt. Thân cây còn non có thể dùng để luộc ăn như rau, khi cây già có thể lấy thân làm thức ăn cho gia súc. 

Gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người dân miền đá, hoa Tam giác mạch cũng mang trong mình một sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ.

Từ trong hốc đá, cây mạnh mẽ vươn lên trước sự khắc nghiệt của tiết trời lạnh giá, đơm bông khoe sắc, điểm tô cho vẻ đẹp của vùng cao nguyên đá. 

Chính loài hoa này đã trở thành biểu tượng của sức sống bền bỉ, mãnh liệt, chinh phục những khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân miền đá. Đồng thời, Lễ hội hoa Tam giác mạch cũng được ra đời từ những lý do đó.

Đến nay, Lễ hội hoa Tam giác mạch Hà Giang đã trải qua 6 mùa. Năm nay, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VII, sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 27/11/2021.

{keywords}
Lồng ghép trong hoạt động của lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VII, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác nữa.

Chương trình nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc, những hình ảnh đẹp về con người; bảo tồn văn hóa truyền thống; khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế, thu hút khách du lịch đến với Hà Giang để trải nghiệm và khám phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lồng ghép trong hoạt động của lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VII, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức các hoạt động: Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên; Tổ chức trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa du lịch, sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang và Không gian thưởng trà Shan tuyết (Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát); Hoạt động thể thao; Tổ chức Hội thi Chúng em kể chuyện Bác Hồ; Cùng các hoạt động quy mô cấp huyện, thành phố.

Nhật Minh