Bò vàng là giống bò địa phương đã được đồng bào dân tộc Mông trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) nuôi dưỡng từ lâu đời nên giống bò vàng còn được gọi là bò H-mông hay bò Mèo.
Bò vàng có sức chống chịu cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là khả năng chịu lạnh, chịu đựng tốt trong điều kiện khan hiếm nước uống, dịch bệnh và thích nghi với điều kiện đồi núi đá dốc hiểm trở. Bò vàng cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn các giống bò khác và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhất là đối với khách du lịch khi đến Hà Giang.
Trong những năm qua, bò vàng là một trong những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và là sản phẩm OCOP đặc thù của 4 huyện cao nguyên đá, 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì, Xín Mần và của tỉnh Hà Giang.
Ngày 19/4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ/SHTT V/v cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00073 cho sản phẩm bò Vàng Hà Giang. Bên cạnh đó, bò vàng Hà Giang đã được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn.
Bò vàng có nhiều mầu sắc khác nhau, từ màu vàng nhạt, vàng đậm, vàng cánh gián, đốm đen đến đen tuyền; nhưng màu sắc chủ đạo của bò vàng là màu vàng đậm và vàng cánh gián. Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu, chiếm trên ¾ tổng số bò của tỉnh Hà Giang và được phát triển tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn và 2 huyện vùng cao phía Tây. Tính đến thời điểm tháng 9/2023, 6 huyện vùng cao của Hà Giang có khoảng 185.000 con bò vàng.
Với mục tiêu đến hết năm 2023, tổng đàn bò toàn huyện đạt trên 29.400 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt gần 1.300 tấn. Huyện Đồng Văn đang tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình sự nghiệp và khuyến khích người chăn nuôi bò Vàng mở rộng quy mô.
Thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, đặc biệt là triển khai chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cùng với sự quan tâm hỗ trợ ứng dụng về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi của các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh; các bộ, ngành Trung ương, đã góp phần đáng kể vào nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị sản phẩm, tạo hướng phát triển bền vững.
Đồng thời hỗ trợ xây dựng đa dạng các sản phẩm từ thịt bò Vàng gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh giới thiệu quảng bá sản phẩm bò vàng đến với người tiêu dùng thông qua siêu thị mi ni, ký kết hợp đồng tiêu thu sản phẩm với các hợp tác xã; triển khai thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị Bò vàng Đồng Văn để duy trì tốc độ tăng trưởng của đàn bò; đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của thịt bò vàng, với tổng kinh phí thực hiện trên 2,8 tỷ đồng, nằm trong nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Huyện Đồng Văn đã và đang tập trung ưu tiên phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn bò bình quân đạt 3,8%/năm; đẩy mạnh chế biến đa dạng các sản phẩm và gia tăng giá trị thịt bò, khai thác, phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Bò vàng Hà Giang, tiến tới xuất khẩu sản phẩm thịt bò.
Trong đó, chú trọng về giống bò, tiếp tục triển khai các dự án nghiên cứu bảo tồn gen Bò vàng Hà Giang; tổ chức bình tuyển, kiểm định con giống, xây dựng hệ thống quản lý giống chặt chẽ đến từng thôn, xã, hộ gia đình; tiếp tục thực hiện cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học ký thuật về chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học; thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình sự nghiệp, đề án, dự án, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công. Huy động đa dạng hóa các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, vận dụng linh hoạt các chính sách về tín dụng. Khuyến khích các hộ chăn nuôi liên kết hình thành các trang trại, khu chăn nuôi tập trung; tổ chức liên kết giữa các hộ chăn nuôi tạo nhành nhóm sản xuất, kết hợp thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, để kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết giá trị thịt bò khép kín từ khâu con giống đến khâu chế biến sản phẩm.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP thịt bò. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, dự báo thị trường gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các phần mềm quản lý sản phẩm, trang Web thông tin, giới thiệu sản phẩm; duy trì, phát triển các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại các điểm tham quan du lịch, điểm dừng chân. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông khu vực nông thôn; duy trì, nâng cấp chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của người dân.