Ngày nay học tập suốt đời ở nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới không chỉ là một khái niệm hay một nguyên tắc đơn thuần trong học tập mà còn trở thành một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng mô hình xã hội học tập có nghĩa là xây dựng nền giáo dục của một xã hội học tập suốt đời toàn diện và tích hợp, một xã hội mà trong đó tất cả những yêu cầu học tập của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc đều được đáp ứng. Mô hình xã hội học tập tuy mới ra đời nhưng đã tỏ ra là một mô hình hữu hiệu, xây dựng một xã hội học tập suốt đời dựa trên cơ sở bốn yêu cầu cơ bản hay còn gọi là bốn trụ cột mà Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đề cập đến, đó là học để biết, học để làm, học để cùng chung sống với nhau và học để làm người.

Thực hiện phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua, tỉnh Hà Giang luôn xác định việc xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có vai trò quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị ở địa phương, được các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân quan tâm, thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, các quyết định của Chính phủ, kế hoạch của tỉnh, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, bám sát các văn bản chỉ đạo, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác trong năm với những giải pháp cụ thể, sát tình hình thực tế, phù hợp đặc điểm của địa phương để triển khai, phân công, tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

W-hagiang.png
Ảnh minh hoạ

Tiêu biểu như Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn phát động và tích cực hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng xã hội học tập, từng bước xây dựng tỉnh Hà Giang thành một xã hội học tập gắn với phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.

Tỉnh đã tổ chức được trên 120 lớp tập huấn với 6.578 lượt người tham gia; 62 lần Hội thảo với hơn 6.020 lượt người tham gia; 283 Hội nghị với 10.900 lượt người tham gia, điển hình như: Hội Khuyến học thành phố, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Hoàng Su Phí, Quang Bình...

Thống kê của tỉnh cho thấy đã có 138.068/187.624 Gia đình học tập đạt 73,58% số gia đình trong toàn tỉnh; có 1564/2263 Dòng họ học tập đạt 69,1% số dòng họ trong toàn tỉnh; có 1.681/2.069 Cộng đồng học tập đạt 81,2% số cộng đồng trong toàn tỉnh; có 818/834 Đơn vị học tập đạt 98% số đơn vị trong toàn tỉnh; 115.071 Công dân học tập đạt 16,2 % số công dân trong toàn tỉnh; tổng số Hội viên toàn tỉnh: 337.294/935.700 đạt 36% (tăng 0,64% = 6.385 người) so với năm 2023, trong đó đảng viên là hội viên là 29.245 người…

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về xây dựng xã hội học tập, nhất là đối với học sinh trong độ tuổi đến trường. Vận động người mù chữ, tái mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ. Tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xây dựng cơ chế khuyến khích người có kinh nghiệm, có kiến thức và những cán bộ nghỉ hưu tham gia các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, các trung tâm học tập cộng đồng ưu tiên các trường vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đáp ứng đủ phòng học cho học sinh. Quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp bếp ăn, công trình vệ sinh; trang bị phòng học ngoại ngữ, tin học, âm nhạc cho các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở theo hướng kiên cố hóa và theo các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, đảm bảo các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận công nghệ thông tin để tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trang bị tài liệu, tủ sách cho các trung tâm học tập cộng đồng nhằm tăng cường củng cố kết quả xóa mù chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội để người dân tiếp cận với các tài liệu hướng dẫn về giáo dục pháp luật, trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân. Củng cố, phát triển các trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, tin học của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và quản lý phổ cập giáo dục; 100% các xã, phường, thị trấn khai thác sử dụng hệ thống phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách triệt để và hiệu quả. Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng. Tăng cường công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, hội và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập.

Minh Yến