Nhiều hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 theo nghị định 84 của Chính phủ, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT) cho biết, trong năm 2020, thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, bổ sung kinh phí từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh và duy trì trật tự an toàn xã hội.
HĐND TP Hà Nội đã kịp thời ban hành 05 Nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn; rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài.
Năm 2021, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 |
Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm.
Thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;…theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Theo ông Lê Văn Quân, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng…
Tuy nhiên, phần lớn các chính sách chưa thực sự hiệu quả, các doanh nghiệp kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) đánh giá, các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc.
Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán…
Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, theo ông Quân, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều mong muốn Chính phủ kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19.
Hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong năm 2020, Trung tâm đã tham mưu xây dựng và tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành tại các Đề án: Hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh.
Phối hợp với các đơn vị trong Sở nghiên cứu các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị và khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp đủ sức chống chọi với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bài và ảnh: Bảo Anh