PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhìn nhận, các giải pháp Hà Nội đang triển khai để phòng chống dịch Covid-19 khá chặt chẽ.
Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, quán cafe, các quán trong nhà phải đảm bảo giãn cách, có tấm chắn đồng thời tạm dừng tổ chức lễ hội, cấm giao lưu tất niên, hạn chế tụ tập đông người…
Thủ đô cũng đã thực hiện xét nghiệm hơn 18.000 người về từ Chí Linh, Hải Dương (từ 1/1 đến nay) và Quảng Ninh (từ 5/1 đến nay), xét nghiệm hơn 12.000 nhân viên tại sân bay Nội Bài đều âm tính.
Từ chiều 18/2, Hà Nội tiếp tục yêu cầu cách ly tại nhà, xét nghiệm toàn bộ người dân về từ các ổ dịch tại 12 tỉnh, thành phố.
Theo PGS Phu, đây là những biện pháp tương đối mạnh để kiểm soát dịch Covid-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Riêng mối lo về ca bệnh 2229 chưa rõ nguồn lây cũng đã bước đầu được kiểm soát khi 584/586 người liên quan đều âm tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, PGS Phu lưu ý, Hà Nội có lưu lượng đi lại rất lớn, sau Tết người dân các địa phương quay trở lại làm việc, sinh sống rất đông nên luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể bùng dịch Covid-19 bất cứ lúc nào.
Trong các đợt dịch trước và đợt dịch đang diễn ra, hầu hết ca bệnh Covid-19 tại các tỉnh đều về từ vùng có dịch. Đáng lưu ý, do biến chủng mới có tốc độ lay lan nhanh hơn, ít triệu chứng lâm sàng hơn nên sẽ khó kiểm soát hơn.
“Chỉ một vài cá nhân khai báo không thành khẩn sẽ gây khó khăn trong truy vết, dập dịch. Bài học từ ca bệnh 1722, 2009 tại Hà Nội là một ví dụ điển hình. Nếu không kiểm soát tốt, không sẵn sàng, tình trạng vỡ trận có thể xảy ra”, PGS Phu nói.
Do đó, PGS Phu cho rằng trong 14 ngày tới, Hà Nội cần đặc biệt cảnh giác, quản lý tốt các trường hợp về từ vùng dịch.
“Vừa qua người dân từ Hà Nội về các địa phương ăn Tết rất nhiều, tiếp xúc nhiều người, giờ quay trở lại là quãng thời gian nguy hiểm nhất. 14 ngày là khoảng thời gian virus SARS-CoV-2 ủ bệnh, các trường hợp nếu tiếp xúc với virus phát bệnh nên cần kiểm soát tốt giai đoạn này”, PGS Phu giải thích.
Dù vậy, PGS Phu nhấn mạnh, sau mốc 2 tuần, Hà Nội vẫn cần tiếp tục cảnh giác trong bối cảnh dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong nước vẫn mở cửa. Hà Nội lại là đầu mối giao thông lớn, sân bay hoạt động nhộn nhịp, chuyến bay đón công dân về thường xuyên, nhiều khu công nghiệp… nên dịch luôn tiềm ẩn.
Khi đó nguy cơ bùng dịch tại Hà Nội không chỉ từ nơi khác mà có thể ngay chính nội tại. Ổ dịch tại Hải Dương, TP. HCM vừa qua là minh chứng.
Để phát hiện sớm các ổ dịch tiềm ẩn trong cộng đồng, PGS Phu cho rằng Hà Nội cần xét nghiệm chỉ điểm để tầm soát, nhắm đến các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, xét nghiệm ngẫu nhiên tại các vùng có nguy cơ cao. Chủ động xét nghiệm sớm sẽ giúp thành phố khoanh gọn ổ dịch, không để dịch lan rộng.
Với người dân, PGS Phu khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ tốt thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người, chủ động, thành khẩn khai báo, người về từ vùng dịch 12 tỉnh cần liên hệ để lấy mẫu xét nghiệm, người về từ các địa phương khác cần khai báo y tế điện tử đầy đủ.
Thúy Hạnh
Hà Nội ra thông báo mới về cách ly, xét nghiệm Covid-19 người dân về từ 12 tỉnh
Hà Nội sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân từ Hải Dương về và người từ các vùng có dịch của 12 tỉnh, thành phố.