Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở nước ta đã được nói đến nhiều, thời gian ngắn gần đây lại rộ lên vấn đề này. Các chỉ số về ô nhiễm không khí cũng được nhiều cơ quan khác nhau đưa ra cùng đó là bảng xếp hạng về mức độ ô nhiễm... thực sự khiến người dân hoang mang.
Vậy tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là bụi mịn ở Hà Nội và TP.HCM đang ở ngưỡng nào? Có đảm bảo cho sức khỏe của người dân? Và tại sao trước nhiều thông tin về ô nhiễm, người dân vẫn khó khăn trong việc tiếp cận với những thông tin đúng, chính xác và có trách nhiệm từ cơ
quan chức năng....?
Góc nhìn thẳng đã tìm câu trả lời từ ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về những vấn đề trên.
Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thức về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM:
Nhà báo Như Quỳnh: Một cách ngắn gọn nhất, ông cho biết, nếu tính trung bình, hiện các chỉ số về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM đang ở mức độ nào?
Ông Hoàng Văn Thức: Trong năm 2018, việc đánh giá dựa vào số liệu 11 trạm quan trắc, trong đó có Tổng cục Môi trường phụ trách 2 trạm và có 9 trạm là của thành phố Hà Nội và thêm một trạm của Đại sứ quán Mỹ là 12 trạm trên địa bàn Hà Nội,
Chất lượng không khí được đánh giáo theo tiêu chuẩn chung của quốc tế là AQI (chỉ số về chất lượng không khí). Theo tiêu chuẩn chung của thế giới cũng như của Mỹ, AIQ từ 0 – 50 cho thấy môi trường không khí rất tốt; từ 50 – 100 là chỉ số chất lượng trung bình.
Kết quả chúng tôi thống kê cho thấy, có 15,6% ngày trong năm là chất lượng khí tốt, 62,8% là chỉ số chất lượng không khí trung bình, 14,1% là ở mức chỉ số kém và 2,1% là ở mức độ xấu. Nghĩa là với Hà Nội, có khoảng 8 ngày chịu chỉ số chất lượng không khí xấu, chỉ số AQI nằm ở mức hơn 200, có khoảng độ 50 ngày nằm ở ngưỡng kém, AQI từ khoảng 101 – 200. Ngay cả mức này cũng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cộng đồng, nhưng có ảnh hưởng mức độ nhẹ đến nhóm nhạy cảm với thời tiết như người già, trẻ em và những người mắc bệnh đường hô hấp.
Đánh giá chung, các số liệu quan trắc ghi nhận trên địa bàn Hà Nội cũng như TP.HCM, chúng ta đang nằm trong khung chỉ số trung bình và tốt. Chúng tôi cũng lấy số liệu quan trắc trực tiếp của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ ở 15 thành phố ở Châu Á, thấy chỉ số bụi mịn PM 2.5 ở TP. HCM là tốt nhất, ở Hà Nội là tốt thứ 4. Điều đó có nghĩa là chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội và TP. HCM vẫn nằm trong nhóm top của các thành phố châu Á.
Nhà báo Như Quỳnh: Như ông vừa chia sẻ, đó là những số liệu được thống kê từ năm 2018. Vậy còn trong thời gian ngắn trở lại đây, những chỉ số đó là như thế nào?
Ông Hoàng Văn Thức: Chúng tôi đã yêu cầu trạm trung tâm quan trắc của Tổng cục Môi trường có thống kê chất lượng không khí ngày 3/4. Qua đó thấy rằng, trong 11 trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, có 4 trạm có chỉ số AQI ở mức độ kém. Ví dụ, trạm Hàng Đậu (109), trạm Trung Hòa (106), trạm Phạm Văn Đồng (106) và trạm Minh Khai, Bắc Từ Liêm (112). Còn lại các trạm khác trên địa bàn Hà Nội, như Nguyễn Văn Cừ là chỉ số tốt và các trạm khác ở mức trung bình. Trong tháng 1- 2019, cụ thể là những ngày cuối tháng 1 và cuối tháng 3, chất lượng không khí ở tình trạng kém, giao động ở mức 101 – 150. Điều này cũng có tính quy luật tương đối đồng thuận với ảnh hưởng của những ngày gió mùa đông bắc thổi, những ngày đan xen nóng, lạnh, trời nồm... Cũng không phải chất lượng không khí kém hẳn cả ngày, mà dao động trong giờ nhất định như giờ đi làm buổi sáng và tan tầm buổi chiều. Điều này 2017, 2018 cũng lặp lại và tương tự với năm 2019.
Lý giải vì sao có quy luật này, thì có các nguyên nhân như hoạt động tham gia giao thông của người dân, phương tiện giao thông, các công trình xây dựng phát tán bụi ra môi trường.
Nhà báo Như Quỳnh: Lâu nay, người dân vẫn thắc mắc khi số liệu về chỉ số ô nhiễm không khí do các cơ quan, tổ chức khác nhau công bố thường khác xa với những gì mà Bộ Tài nguyên- Môi trường đưa ra, một lần nữa, xin ông lý giải rõ hơn về việc này để người dân có căn cứ khi tiếp nhận thông tin?
Ông Hoàng Văn Thức: Có một số tổ chức cá nhân dựa vào chỉ số quan trắc của một trạm, ví dụ như lấy số liệu ở trạm Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Xin thưa rằng, trạm của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chỉ quan trắc duy nhất một chỉ số là PM2.5. Để đánh giá được chỉ số chất lượng chung về chất lượng không khí cho một vùng, một khu vực, cần có nhiều trạm quan trắc mới tăng được độ chính xác của số liệu. Khi Bộ Tài nguyên – Môi trường thông tin cho báo chí, chúng tôi dựa vào rất nhiều các số liệu quan trắc, là quan trắc liên tục, định kỳ, tự động 24/24. Ngoài ra, chúng tôi cũng dựa vào chương trình quan trắc định kỳ thường xuyên, kết hợp với các mạng lưới quan trắc khác. Khi cơ quan quản lý Nhà nước công bố, số liệu khác so với chỉ số kia nhưng chúng tôi khẳng định, chỉ trên cơ sở trạm quan trắc đủ mạng lưới, số liệu đưa ra mới đủ tin cậy.
Ông Hoàng Văn Thức thừa nhận có sự khác nhau về chỉ số ô nhiễm không khí do các đơn vị khác nhau công bố với số liệu của Bộ Tài Nguyên - Môi trường nhưng khẳng định các đơn vị chỉ dựa vào số liệu của trạm quan trắc Đại sứ quán Hoa Kỳ. |
Nhà báo Như Quỳnh: Thưa ông, hiện nay thực trạng hệ thống đo nghiệm mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM đang ở mức nào cả về nhân lực lẫn hạ tầng thiết bị ? Có đủ sức đo nghiệm một cách chính xác mức độ ô nhiễm không khí ở hai thành phố này? So với chuẩn quốc tế họ đo nghiệm thì hệ thống của ta có đáng tin cậy?
Ông Hoàng Văn Thức: Các trạm quan trắc của Hà Nội cũng như của một số thành phố lớn khác như TP.HCM, Cần Thơ, Phú Thọ… cũng đã được lắp đặt đầu tư và xây dựng từ 2010. Đến thời điểm 2016 đã tiếp tục đầu tư. Với Hà Nội, đã lắp đặt thêm 10 trạm, và hiện nay riêng Nhà nước đầu tư cho Hà Nội là 11 trạm. Dự kiến tới 2020, tại Hà Nội đầu tư thêm 33 trạm quan trắc không khí tự động. Cộng với 11 trạm hiện nay, mật độ 44 trạm quan trắc không khí tự động liên tục trên địa bàn Thủ đô sẽ đảm bảo đưa ra số liệu chính xác nhất. Với số liệu hiện có là 12 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô, chúng ta vẫn đưa được ra những mức độ cảnh báo chung về chất lượng không khí của Hà Nội cũng như có thể đưa ra các khuyến cáo cảnh báo chung thông tin cho người dân. Về hệ thống máy móc, khi Nhà nước đầu tư đều lắp đặt trang thiết bị hiện đại của các nước G7.
Nhà báo Như Quỳnh: Thực tế ô nhiễm không khí thời gian qua tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy xu hướng như thế nào, thưa ông? Điều gì theo ông là đáng lo ngại nhất?
Ông Hoàng Văn Thức: Với chất lượng, số liệu hiện nay chúng ta đang nắm bắt được qua các trạm quan trắc, không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam trong đó có Hà Nội, TP.HCM, chất lượng hiện nay chưa gây quan ngại lắm cho sức khỏe người dân. Đề nghị người dân không nên quá hoang mang, lo ngại.
Tại một số thời điểm trong năm có vượt ngưỡng nhưng chưa ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe chung của người dân mà chỉ tác động đến người nằm trong nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người có tiền sử bệnh hô hấp. Điều đáng quan ngại là sự thất thường của thời tiết. Thứ hai là với đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội hay TP.HCM thì ùn tắc giao thông cũng là vấn đề. Cả hai trường hợp này đều tác động xấu đến chất lượng không khí. Bộ Tài nguyên – Môi trường có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, các địa phương liên quan tiếp tục tăng cường kiếm soát chặt chẽ nguồn phát thải, tăng cường kiểm soát phương tiện tham gia giao thông. Với các hoạt động xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng. Tuyên truyền, vận động người dân giảm việc đốt rác, rơm dạ vào ngày mùa hay đốt rác không đúng quy định.
Nhà báo Như Quỳnh: Ông có thể nói rõ vì sao trong thời điểm bùng nổ thông tin như hiện nay mà dân vẫn khó khăn trong việc tiếp cận với những thông tin đúng, chính xác từ cơ quan chức năng....? Liệu có nên đưa cả mức độ ô nhiễm không khí phát cùng với các bản tin dự báo thời tiết cho người dân chủ động phòng ngừa, giữ gìn sức khỏe cũng như an tâm hơn trước nhiều luồng thông tin khác nhau?
Ông Hoàng Văn Thức: Phải nói đây là câu hỏi rất hay. Về chia sẻ thông tin, thực ra lâu nay người dân không để ý, quan tâm. Vừa rồi, khi báo chí lên tiếng, người dân mới để ý đến chất lượng không khí. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã chỉ đạo cho các tỉnh, 63 Sở Tài nguyên- môi trường kết quả dữ liệu về quan trắc môi trường nói chung, trong đó có môi trường nước, chất lượng không khí ở các địa phương đều phải đưa lên trang thông tin điện tử của các sở . Một số tỉnh thành còn đưa thêm lên cổng thông tin của ủy ban nhân dân các tỉnh. Từ năm 2016, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã chỉ đạo về vấn đề này và nhiều địa phương đã làm rất tốt.
Tại Hà Nội, thông tin dự báo thời tiết, chất lượng không khí đã được đưa lên trang web của Sở Tài nguyên – Môi trường của thành phố Hà Nội. Từ tháng 2- 2018, những thông tin về chất lượng không khí, trong đó có PM2.5 và một số chỉ số khác đã được đưa lên cổng của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Hà Nội cũng đã chủ động đưa lên các báo như báo Hà Nội Mới, Kinh tế Đô Thị, Tài nguyên Môi trường... Đề nghị người dân quan tâm có thể truy cập vào các trang thông tin đó cũng như xem báo hàng ngày hoặc chương trình VTV buổi sáng. Ngoài ra, với trạm quan trắc chất lượng không khí môi trường quốc gia, Tổng cục Môi trường có kết nối đưa thông tin lên trang thông tin điện tử quantracmoitruong.gov.vn
Nhà báo Như Quỳnh: Xin được cảm ơn ông Hoàng Văn Thức về cuộc trao đổi thẳng thắn. Với thời lượng chương trình hôm nay, hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn tại Việt Nam. Xin kính chào quý vị và các bạn, hẹn gặp lại ở những chương trình sau.
Góc nhìn thẳng (thực hiện)