Niềm vui tăng lương hưu

Đầu tháng 7 vừa qua, ông Trương Công Phú (85 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) đón nhận niềm vui mới khi lương hưu của ông được tăng gần 2 triệu đồng/tháng, từ mức 12,1 triệu đồng lên 14 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, lương hưu của ông được tăng lên.

Ông Phú là cán bộ về hưu, số lương hưu hiện tại là thành quả cho quá trình công tác gần 40 năm của ông. Với số lương hưu đang nhận, ông Phú không giấu được sự phấn khởi bởi không chỉ giúp ông có được tuổi già an nhàn, vui vầy cùng con cháu, mà còn có tích lũy để làm việc thiện.

Từ tháng 7 vừa qua, hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức về hưu ở Hà Nội nhận quyết định tăng lương hưu giống như ông Phú. Nhưng không chỉ có những lao động tham gia BHXH bắt buộc, niềm vui có lương hưu khi về già cũng đang đến với hàng vạn người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố.

Đơn cử như trường hợp của bà Vũ Thị Là (ở Thạch Xá, Thạch Thất), sau nhiều năm công tác, đến tuổi về hưu, trút bỏ sự bận rộn trong công việc, một ngày của bà Là bắt đầu bằng việc dậy sớm tập thể dục, ăn bữa sáng rồi chăm chút vườn tược, vật nuôi trong nhà.

Cuộc sống an nhàn của bà Là đến từ quyết định đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm còn thiếu để đủ 20 năm theo quy định, thay vì rút BHXH một lần khi đến tuổi về hưu. Không chỉ có khoản lương hưu hàng tháng, bà còn yên tâm hơn khi cần đến các dịch vụ y tế, an sinh...

Bà Vũ Thị Là cho biết, bà từng là cán bộ làm việc trong một xí nghiệp quốc doanh, sau quá trình công tác, đến tuổi nghỉ hưu nhưng mới chỉ có 18 năm đóng BHXH bắt buộc, tức là còn thiếu 2 năm để nhận lương hưu.

Vì chưa đủ số năm đóng, ban đầu, bà Là lên cơ quan BHXH huyện Thạch Thất để hỏi về thủ tục rút BHXH một lần. Khi đến nơi, được nhân viên bảo hiểm tư vấn, bà mới biết có thể chọn giữa hai phương án là rút một lần và đóng BHXH tự nguyện một lần để nhận lương hưu.

“Cán bộ tư vấn rất nhiệt tình, luôn tôn trọng quyết định của tôi dù tôi có muốn rút một lần, nhưng họ khuyên tôi nên lựa chọn đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm cho đủ 20 năm để có lương hưu hàng tháng. Sau khi nghe phân tích, thấy được lợi ích lâu dài của chính sách, tôi quyết định đóng thêm 28 triệu đồng cho 2 năm còn lại để đủ điều kiện nhận lương hưu”, bà Là bộc bạch.

Với quyết định tham gia BHXH tự nguyện, bà Vũ Thị Là chính thức nhận sổ BHXH từ đầu năm 2022. Từ đó đến nay, cứ hàng tháng, bà được nhận lương hưu. Số tiền vài triệu đồng không lớn, nhưng theo bà Là, nó là điểm tựa để bà không lo tuổi già, tạo gánh nặng cho con cháu.

“Nhiều người cứ nói lương hưu tham gia BHXH tự nguyện thấp, chẳng đáng là bao, nhưng ít hay nhiều thì cũng là một khoản phòng thân, không có thì lấy gì ra tiêu? Con cái cũng có cuộc sống của con cái, cuộc sống vất vả lắm, ngửa tay xin thì không cha mẹ nào đành lòng dù con cái hiếu thuận”, bà Là tâm sự.

Nỗ lực lan toả chính sách an sinh xã hội

Bà Là, ông Phú là 2 trong số hàng vạn người lao động ở Hà Nội đang được hưởng thành quả nhờ tham gia BHXH. Để có được thành công hiện tại, đội ngũ cán bộ BHXH TP đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, lan tỏa chính sách an sinh, trong đó có những giải pháp vô cùng sáng tạo.

Chia sẻ về những kinh nghiệm, những cách làm hay trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, lãnh đạo UBND xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) cho biết, xã đã hỗ trợ thêm bằng tiền cho mỗi người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, xã đã phân công, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình cụ thể tới từng thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, đưa kết quả vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm của xã; đồng thời cử cán bộ kết hợp với các hội, đoàn thể, các thôn… tuyên truyền cho các tiểu thương ở chợ, người bán hàng tạp hóa, đến các hộ kinh doanh cá thể, các gia đình có nghề phụ có từ 5-10 lao động, tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật về sử dụng lao động, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Hay như trên địa bàn phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), để phát triển mạng lưới an sinh, phường đã tổ chức nhóm nòng cốt tại các tổ dân phố (là những người năng động, nhiệt huyết được tập huấn kiến thức cơ bản về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình) thực hiện tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đến người dân theo địa bàn được phân công phụ trách, ưu tiên tập trung cao vào những hộ dân có tiềm năng.

BHXH TP.jpeg
Cán bộ BHXH TP. Hà Nội tuyên truyền BHXH, BHYT cho người dân. Ảnh: BHXH TP. Hà Nội

Định kỳ thứ Bảy hàng tuần, phường chỉ đạo đoàn thanh niên tổ chức đi tuyên truyền lưu động bằng loa về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. Trên địa bàn phường có nhiều hộ kinh doanh, nhiều hộ dân trồng hoa, trồng rau sử dụng lao động mùa vụ, do đó, phường đã làm việc với các hộ dân để tuyên truyền, vận động từng người lao động hiểu rõ tính nhân văn và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Với nhiều nỗ lực, đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn thành phố đạt hơn 2 triệu người, hơn 84.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHYT đạt hơn 7,9 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 94,3% dân số.

Thúy Ngà