Theo UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn hiện nay trồng khá nhiều giống bưởi như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi La Tinh, bưởi đào, bưởi đường chín sớm xã Cát Quế… Trong đó, bưởi đường La Tinh là giống bưởi địa phương được trồng từ lâu đời tại làng La Tinh (xã Đông La).

Hiện tại, bưởi đường La Tinh Hoài Đức phân bố chủ yếu ở xóm 1, xóm 2, xóm 3 thôn La Tinh, với số lượng khoảng 1.360 cây. Trong đó có hơn 55% các cây có độ tuổi 10 - 20 năm, gần 15% các cây có độ tuổi trên 20 năm.

W-anhbuoiduong.png
Bưởi đường La Tinh Hoài Đức phân bố chủ yếu ở xóm 1, xóm 2, xóm 3 thôn La Tinh, với số lượng khoảng 1.360 cây

Để góp phần gìn giữ và phát triển giống bưởi đường La Tinh, vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc cho phép UBND huyện Hoài Đức sử dụng địa danh “La Tinh Hoài Đức” để đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường. Đồng thời, TP giao UBND huyện quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý La Tinh Hoài Đức cho sản phẩm bưởi đường.

Trong đời sống hiện nay, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng như một phương tiện xúc tiến thương mại, làm gia tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm, mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho người sử dụng chỉ dẫn địa lý, như tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khách hàng; sản phẩm bán chạy hơn và giá thành sản phẩm cũng cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại không được sản xuất ở khu vực địa lý đặc biệt đó.

Bởi vậy, việc được cấp chỉ dẫn địa lý được xem là cơ hội tốt để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể bưởi đường La Tinh của huyện Hoài Đức. Qua đó, mở ra cơ hội phát triển thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi đường La Tinh nói riêng, nông sản địa phương nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.

Duy Tuấn và nhóm PV, BTV