Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trên quan điểm là đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, cấp độ của lực lượng sản xuất, gắn với khả năng đáp ứng của mỗi loại nông sản.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia kênh tiêu thụ nông sản nhằm tạo lập và duy trì các liên kết bền vững; Kế thừa những điểm mạnh của các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản hiện có, giảm lượng nông sản tiêu thụ thông qua kênh tiêu thụ nông sản truyền thống (không liên kết) và tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết và kênh hợp nhất gắn với việc ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc nông sản;

Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản cần gắn liền với việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp đủ lực dẫn dắt, định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tín hiệu thị trường trong và ngoài nước tại các vùng, địa phương sản xuất nông sản.

Trong quá trình thực hiện còn phải gắn với dự báo, định hướng thị trường, có đầy đủ thông tin liên quan đến nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

{keywords}
Các doanh nghiệp bán lẻ đang liên kết với nông dân tạo thành chuỗi để đưa nông sản vào hệ thống siêu thị tiêu thụ có truy xuất nguồn gốc 

Đề án cũng nêu rõ mục tiêu, hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. 

Trong đó, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với đó là tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.

Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân.

Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Theo đó, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của Đề án là rà soát, hoàn thiện chính sách về phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản và các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại để tạo đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt tại khu vực nông thôn và các loại hình có tính lan tỏa như trung tâm logistic, chợ đầu mối.

Phải tạo điều kiện xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các chủ thể tham gia liên kết tiêu thụ nông sản…

Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Trong đó, Bộ NN-PTNT cần phối hợp Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Đề án này.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ và tạo nguồn lực cho các chủ thể tham gia kênh tiêu thụ nông sản thời gian tới.

Cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, có ưu thế của địa phương; quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản phù hợp với quy hoạch sản xuất nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo nguồn cung hàng nông sản ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy