Trong văn bản báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới, TP Hà Nội chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. 

Đó là do nhiều quy định của pháp luật còn thiếu, không đồng bộ giữa các lĩnh vực, nhiều nội dung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn không rõ ràng nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.

Cụ thể, chưa có quy định về cưỡng chế buộc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở dẫn đến hiệu lực, hiệu quả không cao; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện sau công tơ của các hộ gia đình, cơ sở, trong khi đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây cháy. 

405107262 1573960586679452 3080241078257672271 n.jpg
Những năm gần đây trên địa bàn huyện Thạch Thất nở rộ xây dựng chung cư mini. Ảnh: Quang Phong

Chưa có quy định của Bộ Xây dựng về an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi từ nhà ở gia đình…

Từ đó, UBND TP Hà Nội đề xuất Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn áp dụng, hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC và cứu nạn, cứu hộ; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cho phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó, trọng tâm về an toàn thoát nạn, ngăn cháy, ngăn khói, trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện cảnh báo cháy nhanh.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ về quy hoạch, xây dựng, PCCC, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, chất lượng và trật tự xây dựng…

Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã kiểm tra gần 23.400 lượt cơ sở, trong đó có 311 chung cư mini, hơn 13.300 nhà trọ, 225 chung cư, hơn 9.550 nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 629 lượt cơ sở với số tiền phạt trên 3,5 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động đối với 129 trường hợp, đình chỉ hoạt động 24 trường hợp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

UBND quận Cầu Giấy và phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai đối với loại hình chung cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất không kịp thời theo chỉ đạo của thành phố. Ngoài ra còn có 64 xã, phường chưa tổ chức kiểm tra theo chỉ đạo của UBND TP.

Một số xã không quan tâm, vào cuộc mà “giao khoán” cho lực lượng công an tổ chức kiểm tra, xử lý đối với cơ sở, điển hình như lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) không tham gia kiểm tra cùng đoàn kiểm tra liên ngành.