Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, các đoàn phúc tra sẽ đánh giá, chấm điểm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại từng quận, huyện theo bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm được UBND Hà Nội ban hành.
Từ kết quả đánh giá, thành phố sẽ xếp loại và biểu dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, các đơn vị chưa tốt được yêu cầu có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm. Hoạt động này cũng giúp người tiêu dùng nhận diện những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn.
Trong các ngày từ 30/11 đến 4/12, đoàn phúc tra số 1 đã chấm điểm và xếp loại xuất sắc cho quận Tây Hồ, Gia Lâm và Long Biên.
Đây là những quận đã làm tốt hoạt động tuyên truyền và giám sát an toàn thực phẩm, xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời các vi phạm.
Đoàn công tác Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra một nhà hàng tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Ngân Hà |
Hà Nội hiện có gần 84.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành.
Riêng tháng 11, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm 6.588 đơn vị với số tiền phạt gần 3,7 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Hà Nội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định, như: VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000...
Trong khi đó một số địa phương còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo, giám sát an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm ở một số xã, phường còn hạn chế.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, song song với phòng chống dịch Covid-19, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong những tháng cao điểm cuối năm sẽ tiếp tục được tăng cường.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Minh Tú