- "Hà Nội một thời" là tên cuốn sách ảnh của tác giả John Ramsden. Những bức ảnh trong cuốn sách này dẫn tôi trở về Hà Nội của ngày ấy và tôi được sống lại trong ký ức với phố xưa và người xưa. Nhưng một điều tôi nhận ra là : cái quá khứ ấy của Hà Nội làm tôi suy nghĩ về cái tương lai của thành phố văn hiến này.

Bây giờ, nhiều lúc ngồi uống cà phê hay đi lang thang trên một hè phố Hà Nội, tôi lại nhớ về Hà Nội xưa mà đặc biệt là Hà Nội của những năm cuối thập kỷ 60 và trải dài cho hết thập kỷ 70 của thế kỷ trước. 

Nhớ nhưng trong một cảm giác buồn bã là có thể không bao giờ tìm lại được nữa. Có những thứ của thành phố này ta cũng không thể giữ và không nên giữ, nhưng có nhiều thứ ta phải giữ lại mãi mãi thì đã và đang lặng lẽ ra đi.

{keywords}
Hà Nội một thời qua góc máy của John Ramsden.

Quả thực, tất cả những bức ảnh về Hà Nội trong cuốn sách này là thuộc về một Hà Nội của những năm tháng đói ngèo và quá nhiều khó khăn. Thế nhưng tôi lại không thấy cái cảm giác buồn bã, nặng nề hay lo lắng trên từng góc phố, từng mái ngói, từng cái cây và đặc biệt trên những mặt người. 

Cảm giác thống lĩnh toàn bộ tôi khi xem những bức ảnh của John Ramsden là cảm giác thanh bình đôi khi như là nơi chốn ấy đang trôi trong một giấc mơ đẹp của những ngày thu đặc trưng của Hà Nội. Một Hà Nội của John Ramsden mà người ta không có bất cứ cảm giác nào về những âu lo, toan tính, ngột ngạt, bất trắc....như chính Hà Nội bây giờ.

Chắc chắn John Ramsden có thể đã chụp cả ngàn bức ảnh về Hà Nội. Nhưng ông đã chọn lựa những bức ảnh đặc trưng nhất về Hà Nội. Đó là những dãy phố, ngõ phố, mái phố, đền chùa, cây cổ thụ, quán trà, quán phở vỉa hè, cửa hàng, xích lô, tàu điện, chợ hoa Tết, chợ vỉa hè, hàng rong, hiệu cắt tóc...

Hà Nội những năm tháng ấy thực sự là một Hà Nội luôn pha một chút màu sắc thôn quê trong những phố phường của mình. Chỉ cần một hai bức ảnh, John Ramsden đã làm hiện lên cái màu sắc thôn quê trong lòng một đô thị ấy. Tôi thật sự thích thú và ấn tượng với điều đó. Và trong những nhân vật của Hà Nội được chụp như một chân dung đặc tả, John Ramsden chỉ chọn một người, đó là họa sỹ Bùi Xuân Phái. 

Một sự chính xác tuyệt đối. Bởi họa sỹ Bùi Xuân Phái là một họa sỹ đã gọi được đúng “hồn” của những phố cổ Hà Nội. Những bức ảnh thường được John Ramsden chụp với một góc hẹp nhưng lại mở ra một không gian vô tận của cảm xúc và trí tưởng tượng đến nỗi tôi cứ muốn những bức ảnh ấy rộng ra và rộng ra nữa để tôi được đi đến tận cùng không gian ấy.

Tác giả John Ramsden là người hiểu rõ cái gì làm lên Hà Nội. Bởi thế mà những bức ảnh ông chụp là sự chọn lựa một cách chính xác để rồi cộng chúng lại và dựng lên chân dung Hà Nội với vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp sâu thẳm bên trong của thành phố này. 

Một điều mà tôi muốn nói là : ông yêu và hiểu đúng Hà Nội của chúng ta. Bởi thế mà những bức ảnh ông chụp là tôn trọng sự thật nhưng lại lại đầy cảm xúc và hướng vào những vẻ đẹp của thiên nhiên, của kiến trúc, của văn hóa và của con người Hà Nội. Nếu lòng ông không yêu thành phố này thì ông chỉ cần đưa ông kính sang một góc khác thì Hà Nội sẽ hiện lên hoàn toàn khác.

{keywords}

Tác giả John Ramsden

Hà Nội thời John Ramsden chụp những bức ảnh này cũng đông đúc người xe. Nhưng những góc chụp của ông có khả năng gạn đi mọi ồn ã của thành phố để đặt nó vào trong một không gian tĩnh lặng đến tận cùng. 

Những khoảnh khắc hiện ra trong nhiều bức ảnh cho tôi cảm giác như ông đã đứng ở đó hàng tháng thậm chí hàng năm để cái nhìn của ông về Hà Nội chìm vào tĩnh lặng một cách thực sự và chụp lấy cái khoảnh khắc tĩnh lặng của Hà Nội mà khoảnh khắc ấy đôi chỉ lướt qua rất mơ hồ và giữ lại cho người xem mãi mãi một không gian tĩnh lặng đúng hồn vía của chốn này mà không gì có thể lọt vào hay có thể thay thế.

Tôi đã nói đến sự thanh bình hay tĩnh lặng của Hà Nội trong những bức ảnh của John Ramsden. Với tôi, đây là điểm thành công nhất của những bức ảnh. Lòng người tĩnh lặng và thành phố thanh bình là hơi thở của Hà Nội. Đó chính là hiện thực của tâm hồn Hà Nội. John Ramsden đã phát hiện ra điều đó và quan trọng là ông đã lột tả được điều đó. 

Tôi tìm thấy sự thanh bình và tĩnh lặng của Hà Nội không phải qua những bức ảnh một góc phố vắng người. Điều đó không chứng minh được gì. Chụp một ngôi nhà hay một cái cây cũng có thể cho người xem thấy được lòng người bất ổn hay u buồn. Nghệ thuật là như vậy. 

Nhưng cái thanh bình và tĩnh lặng của Hà Nội lại thể hiện nhiều nhất qua các nhân vật trong những bức ảnh cho dù họ là một người đạp xích lô, bán hàng rong, đang làm những việc nặng nhọc và ở trong một nơi chốn quá thiếu thốn của thành phố.

Một câu hỏi được đặt ra cho tôi và có lẽ không ít người xem là : tại sao cuốn sách mang tên "Hà Nội một thời" nhưng lại có cả những bức ảnh về những vùng ngoại ô Hà Nội, những vùng dân tộc phía Bắc Việt Nam và những thành phố lớn nhất của miền Nam như Đà Nẵng và Sài Gòn?

Câu trả lời của tôi là : Những bức ảnh chụp thôn quê vùng ngoại ô Hà Nội và một số vùng dân tộc phía Bắc Việt Nam là một cách làm sâu hơn cái nhìn của tác giả cũng như cái nhìn của người xem về văn hóa Việt. Còn những bức ảnh chụp Đà Năng và Sài Gòn, hai thành phố đặc trưng nhất của phía Nam tạo ra sự tương phản để làm Hà Nội hiện lên vô cùng đặc trưng.

Có một từ mà John Ramsden chú thích ở một vài bức ảnh làm tôi vô cùng ấn tượng. Đó là từ Sacred Tree mà tôi dịch là Cây Thiêng. Nếu John Ramsden không hiểu đời sống văn hóa và tâm linh của người Hà Nội, ông sẽ không gọi những cái cây cổ thụ bằng cái tên như vậy. 

Cũng như ông không hiểu và không chia sẻ với người Hà Nội trong những năm tháng đó thì hình ảnh của người già, trẻ em, phụ nữ, người đạp xích lô, người bán hàng rong, những công nhân...sẽ hiện lên lam lũ, đói ngèo và mệt mỏi. 

Bởi trong cuộc sống mỗi ngày ai cũng có thể có những khoảnh khắc của giận dữ, buồn bã, lo âu hay mệt mỏi. Nhưng John Ramsden đã tôn trọng sự thật cho dù ở cách nhìn nào của nghệ thuật với thành phố này. Sự thật đó là những năm tháng ấy người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung sống thật chân thành, trong sáng, thanh thản và nhiều ước mơ. 

Những bức ảnh của John Ramsden không chỉ đặt ra cho tôi mà cho nhiều người câu hỏi : “ Vì sao người Việt Nam lại có thể sống một cách đẹp đẽ như thế trong những năm tháng khó khăn còn bây giờ đời sống đã được cải thiện quá nhiều thì họ lại sống với nhiều phiền muộn, lo lắng và bất trắc ?”.

Chính vì câu hỏi ấy mà tôi nghĩ rằng : cái mà tôi tìm thấy ở HÀ NỘI MỘT THỜI qua những bức ảnh của John Ramsden lại là cái cho một HÀ NỘI MUÔN THUỞ. Đó là sự thanh bình của đời sống và sự tĩnh lặng của tâm hồn con người Hà Nội. Mọi nỗ lực đúng nhất của con người để xây dựng nơi chốn của mình và có thể nói rộng hơn là thế gian của con người là làm cho nơi chốn đó có một cuộc sống thanh bình và tâm hồn người tĩnh lặng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều